Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập sản xuất trong khu dân cư

10:11, 11/11/2018

Ngày 24-10 vừa qua đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng Công ty TNHH thương mại và sản xuất lâm sản Ba Thanh ở phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), sau đó cháy lan sang 3 doanh nghiệp khác...

Ngày 24-10 vừa qua đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng Công ty TNHH thương mại và sản xuất lâm sản Ba Thanh ở phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), sau đó cháy lan sang 3 doanh nghiệp khác gây thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Sản xuất gối tại một doanh nghiệp hoạt động trong khu dân cư phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa.
Sản xuất gối tại một doanh nghiệp hoạt động trong khu dân cư phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa.

Từ vụ tai nạn do “bà hỏa viếng”, có thể thấy rõ nhiều rủi ro đang rình rập các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất nhỏ nằm xen kẽ trong khu dân cư.

* Luẩn quẩn mặt bằng sản xuất

Ở phường Tân Hòa, hiện có hơn 300 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Nơi đây  được xem là “thủ phủ” của nghề sản xuất mộc gia dụng của tỉnh,  và hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến gỗ ở KP.4, phường Tân Hòa cho biết, các cơ sở, doanh nghiệp ở đây đều đi lên từ hộ gia đình theo kiểu “cha truyền con nối”, mặt bằng sản xuất thường là tận dụng đất của gia đình. Theo vị chủ doanh nghiệp này, sở dĩ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và cơ sở sản xuất ở đây khó di dời là vì 2 vấn đề: thiếu vốn đầu tư và thiếu nguồn lao động.

“Lao động làm nghề mộc gia dụng không giống như các ngành nghề khác, cần phải tuyển được người có tay nghề. Do đó, nếu dời xưởng sản xuất đi xa thì rất khó tuyển được người làm. Sản xuất trong khu dân cư không được cấp phép, doanh nghiệp biết là vi phạm và có nhiều thiệt thòi khi xảy ra sự cố, nhưng vẫn phải chấp nhận “nhắm mắt” làm vì chưa tìm được phương án tốt hơn” - Giám đốc doanh nghiệp này nói.

 Chủ tịch UBND phường Tân Hòa Trần Quang Minh cũng cho rằng hiện tại giữa nhu cầu sản xuất thực tế và đơn vị sản xuất được cấp phép còn khá “vênh” nhau. Cụ thể, chỉ tính riêng lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, trên địa bàn phường hiện có hơn 100 đơn vị được cấp phép nhưng số doanh nghiệp, cơ sở hoạt động thực tế lại nhiều gấp 3 lần.

TP.Biên Hòa cũng có chủ trương di dời các cơ sở, doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư từ lâu, nhưng đến nay cũng không có chỗ để thực hiện việc di dời. Không chỉ ở phường Tân Hòa mà ngay cả các phường khác như: Tân Biên, Long Bình, Hố Nai, Trảng Dài… các doanh nghiệp sản xuất mộc nói riêng và các ngành nghề khác nói chung  vẫn hoạt động xen kẽ trong khu dân cư khá đông.

* Tiềm ẩn rủi ro

Bà Ngô Yến Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Vân (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) chia sẻ việc thuê mặt bằng sản xuất ngoài khu công nghiệp có giá khoảng 10 ngàn đồng/m2/tháng, trong khi đó trong các khu công nghiệp giá từ 50-60 ngàn đồng/m2/tháng, cao gấp 5-6 lần. Doanh nghiệp nhỏ không đủ vốn để vào các khu công nghiệp, trong khi đó các cụm công nghiệp cũng không có để doanh nghiệp vào đầu tư, nên đến nay chủ yếu thuê nhà xưởng sản xuất bên ngoài.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng việc các doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư tiềm ẩn rủi ro khá cao, đặc biệt là những sản phẩm dễ gây cháy, nổ. Ngoài ra, việc không được cấp phép hoạt động cũng là bất lợi cho các doanh nghiệp, hoạt động “chui” phải chịu nhiều thiệt thòi. Thực tế hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhỏ  hoạt động sản xuất xen trong khu dân cư vì cũng không có phương án nào tốt hơn.

Cũng theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, ngay cả việc đầu tư các cụm công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ vào sản xuất cũng cần xem xét lại một số tiêu chí cho phù hợp, lúc đó mới hạ được giá thuê đất. Hiện tại, các tiêu chí của cụm công nghiệp không khác gì mấy so với khu công nghiệp. “Nhà nước cần có những cơ chế riêng về đầu tư phát triển cụm công nghiệp, hay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vào khu công nghiệp. Như vậy mới tháo gỡ được vấn đề mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ, lúc đó các doanh nghiệp mới có thể rút dần ra khỏi các khu dân cư” - ông Đặng Văn Điềm đề nghị.

Vân Nam

Tin xem nhiều