Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây: Sắp khởi công, mặt bằng chưa có

10:11, 18/11/2018

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật mới đây cho biết, trong quý III-2019 sẽ khởi công 8 dự án thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, trong đó có tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật mới đây cho biết trong quý III-2019 sẽ khởi công 8 dự án thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, trong đó có tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đoạn này được xem là cửa ngõ vùng Đông Nam bộ.

Điểm giao cắt giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.
Điểm giao cắt giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.

Để dự án được khởi công, việc giải phóng mặt bằng phải được thực hiện trước. Tuy nhiên, đến nay công tác chuẩn bị cho giải phóng mặt bằng vẫn bất động.

* Điều chỉnh dự án

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT, đơn vị quản lý dự án), tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được điều chỉnh quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe có chiều rộng từ 25-27m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 18.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 11 ngàn tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng xây dựng.

Trong tháng 7-2018, Bộ GTVT đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét mức vốn đầu tư tham gia của Nhà nước đối với 3 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam là đoạn Mai Sơn (tỉnh Ninh Bình) - quốc lộ 45 (tỉnh Thanh Hóa), quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) - Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai). Hiện Chính phủ đang xem xét để quyết định mức vốn.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, để hoàn vốn cho dự án thì nhà đầu tư được thu phí trong thời gian khoảng 17 năm. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, từ năm 2014 dự án đã được cắm cọc mốc bàn giao cho địa phương để chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do trước đây chỉ quy hoạch 4 làn xe, sau đó Quốc hội phê duyệt lên 6 làn xe, vì vậy đơn vị phải làm lại hồ sơ điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi.

* Mặt bằng vẫn im lìm

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài gần 99km, trong đó phần thuộc địa phận Đồng Nai là 51km, qua các địa phương gồm: huyện Thống Nhất, TX.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc.

Theo lãnh đạo các địa phương, tuyến cao tốc này đi qua địa bàn tỉnh, chủ yếu chạy trên diện tích đất nông nghiệp và cao su, không qua các khu dân cư nên việc phải bố trí tái định cư là không nhiều. Chủ tịch UBND TX.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết phần đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua thị xã hầu như nằm trên đất cao su, vì vậy khi giải phóng mặt bằng qua đoạn này sẽ không quá phức tạp.

Diện tích đất phải giải phóng mặt bằng nhiều nhất thuộc huyện Xuân Lộc, bởi hơn một  nửa chiều dài đoạn qua Đồng Nai nằm ở huyện này. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cũng cho hay, theo hướng tuyến của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn chủ yếu là đất nông nghiệp. “Mốc mở rộng của dự án đến nay chưa có nên huyện cũng không biết được cụ thể diện tích đất thu hồi ra sao, đến nay vẫn đang đợi” - ông Sơn chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Đồng Thanh thông tin, kể từ khi dự án được duyệt mở rộng lên 6 làn xe thì hồ sơ thu hồi đất phải làm lại. Hiện nay vẫn chưa thấy các cơ quan của Bộ GTVT bàn giao cọc mốc mới để thực hiện công tác thu hồi đất. Cũng theo ông Thanh, thủ tục thu hồi đất mất rất nhiều thời gian. Những công việc như đo vẽ, kiểm đếm để đền bù nếu không làm chặt chẽ sau này sẽ phát sinh phức tạp. Và việc chậm trong công tác bàn giao mốc giải phóng mặt bằng thì sẽ khó cho việc bồi thường kịp tiến độ dự án khởi công.

Vân Nam

Tin xem nhiều