Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉ giữ lại đất lúa hiệu quả

11:11, 12/11/2018

Dù không phải là nơi có lợi thế về sản xuất lúa, song Đồng Nai vẫn quy hoạch và giữ lại đất lúa 3 vụ/năm để góp phần bảo vệ an ninh lương thực quốc gia. Những vùng này được bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế tối đa việc chuyển đổi.

Dù không phải là nơi có lợi thế về sản xuất lúa, song Đồng Nai vẫn quy hoạch và giữ lại đất lúa 3 vụ/năm để góp phần bảo vệ an ninh lương thực quốc gia. Những vùng này được bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế tối đa việc chuyển đổi.

Biểu đồ thể hiện diện tích đất lúa giảm theo quy hoạch của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.                  Thông tin, ảnh: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân
Biểu đồ thể hiện diện tích đất lúa giảm theo quy hoạch của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thông tin, ảnh: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân

 

Theo Nghị quyết 74 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, diện tích đất lúa của tỉnh sẽ giảm hơn 5.200 hécta, xuống còn hơn 24,9 ngàn hécta vào năm 2020. Trong đó, vùng quy hoạch chuyên trồng lúa nước (bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế chuyển đổi) của tỉnh đến năm 2020 là 18 ngàn hécta.

* Giữ lại đất lúa 3 vụ/năm

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2017 tổng diện tích lúa của cả nước là hơn 7,72 triệu hécta. Riêng tại Đồng Nai tổng diện tích lúa năm trước là gần 28,9 ngàn  hécta, so với cả nước thì diện tích đất lúa của Đồng Nai rất ít. Do đó, dù Đồng Nai có chuyển đổi cả chục ngàn hécta đất lúa 1-2 vụ/năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái để tăng thu nhập cho nông dân cũng không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Nhưng tỉnh vẫn quy hoạch vùng chuyên trồng lúa nước (trồng 3 vụ lúa/năm) để bảo vệ nghiêm ngặt. Với diện tích đất chuyên trồng lúa, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Những khu vực quy hoạch chuyên trồng lúa nước,  chỉ chuyển đổi trong trường hợp phải thực hiện các dự án về hạ tầng kỹ thuật của quốc gia, tỉnh, huyện”. Cụ thể, những diện tích quy hoạch vùng chuyên trồng lúa tại Đồng Nai trong giai đoạn 2016-2020 có giảm nhưng chỉ để thực hiện các dự án đường cao tốc, đường giao thông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là chính, còn những dự án khác tỉnh rất hạn chế lấy vào
đất lúa chuyên dùng.

Ngoài ra với vùng chuyên canh lúa 3 vụ/năm, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ về kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập để người dân yên tâm giữ đất lúa.

* Đất lúa kém hiệu quả: nên cho chuyển đổi

Vào năm 2017, 2018, trong các đợt làm việc với tỉnh, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng thống nhất quan điểm, không nên “khư khư” giữ đất lúa kém hiệu quả 1-2 vụ/năm khiến người dân có thu nhập thấp. Song việc chuyển đổi đất lúa sang đất đất trồng cây lâu năm đang vướng nhiều quy định phức tạp, do đó không ít hộ dân ở những vùng thiếu nước đã tự chuyển đổi đất lúa 1-2 vụ/năm sang trồng những cây lâu năm có giá trị. 

Lãnh đạo các huyện đề xuất, tỉnh nên kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi đất lúa 1,2 vụ/năm, thiếu nước sản xuất và kém hiệu quả. Những vùng chuyên canh lúa nước 3 vụ/năm, các địa phương đều đồng tình sẽ bảo vệ nghiêm ngặt để góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Theo đó, nếu Chính phủ đồng ý cho Đồng Nai chuyển đổi hàng ngàn hécta đất thiếu nước (chỉ sản xuất được 1-2 vụ lúa/năm) sang trồng cây ăn trái thì sẽ đem lại 2 ưu điểm lớn. Thứ nhất, tiết kiệm nguồn nước ngọt đang ngày một khan hiếm, tránh được hạn hán, góp phần bảo vệ môi trường. Thứ hai, thu nhập của nông dân sẽ tăng thêm vài trăm triệu đồng/hécta/năm, doanh thu ngành trồng trọt Đồng Nai có thêm cả ngàn tỷ đồng.                            

Khánh Minh

Tin xem nhiều