Báo Đồng Nai điện tử
En

"Gỡ" khó cho ngành gỗ

10:11, 05/11/2018

Đầu tháng 11-2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Đồng Nai. Hội nghị nhằm tìm ra hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Đầu tháng 11-2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Đồng Nai. Hội nghị nhằm tìm ra hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Sản xuất gỗ tại Công ty cổ phần Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1).
Sản xuất gỗ tại Công ty cổ phần Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1).

* Lo thiếu vùng nguyên liệu

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai hiện có gần 200 ngàn hécta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó khoảng 40 ngàn hécta rừng phòng hộ, 35 ngàn hécta ha rừng sản xuất, gần 40 ngàn hécta trồng cao su cùng với diện tích đáng kể cây trồng phân tán. Hiện nay, sản lượng sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh vào khoảng 1,2 triệu m3/năm; sản phẩm tập trung chủ yếu cho xuất khẩu đến các thị trường như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc xây dựng đề án chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững của Đồng Nai cần hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường bền vững, “gỡ” khó cho doanh nghiệp trong các vấn đề: vay vốn, quy hoạch các cụm công nghiệp về chế biến gỗ phù hợp, các chính sách hỗ trợ người lao động, đào tạo nhân lực, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy...

Do tỉnh đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng từ năm 1997 nên từ đó không còn nguồn nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên. Hiện diện tích rừng trồng trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nguyên liệu mỗi năm.

Ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho hay, nguồn nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nguồn nguyên liệu chế biến, phần còn lại còn phụ thuộc nhiều vào nguồn gỗ nhập khẩu từ nước ngoài, nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác. Chất lượng nguồn nguyên liệu chưa cao, chủ yếu là gỗ nhỏ, chu kỳ khai thác ngắn…

Theo kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ mong muốn có những chính sách mới hơn, thông thoáng hơn, đi kèm với các biện pháp hữu hiệu để phát triển rừng nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào trong sản xuất…

* Đổi mới công nghệ, tăng cường liên kết

Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, thị trường đầu ra ổn định, đầu tư công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, sử dụng ít lao động, ít gây ô nhiễm môi trường, vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình gặp khó khăn trong việc thay đổi công nghệ, sử dụng nhiều lao động thủ công...

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), mặt bằng sản xuất là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất trong các khu dân cư nên mặt bằng hẹp, khó khăn cho hoạt động sản xuất, nhất là đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, thiếu lao động trình độ cao...

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị thương hiệu gỗ của Đồng Nai, đưa ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ trở thành ngành mũi nhọn cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nâng cao sự hiệu quả trong hoạt động, kết nối đối với các hiệp hội về doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng…

Ông Đặng Hồng Tăng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh còn hoạt động đơn lẻ, thiếu liên kết, hợp tác, chia sẻ với nhau trong kinh doanh tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, cũng như chưa hình thành được hệ thống phân phối bán hàng. Hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm chưa tương xứng với tốc độ phát triển và nhu cầu mở rộng thị trường.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đề xuất, ngành gỗ cần đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất nên cần sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô để có thể tiếp cận được công nghệ mới, hiện đại từ nước ngoài, chính sách vay tín dụng ưu đãi để thực hiện đổi mới. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích sản xuất trong nước, tăng nguồn cung ứng thành phẩm cho sản xuất gỗ xuất khẩu; có thêm những chương trình hỗ trợ người lao động...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã giao cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hiệp hội... điều tra, rà soát kỹ thực trạng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để xây dựng đề án sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững của Đồng Nai.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ tỉnh cần nâng cao vai trò, chức năng của mình, tạo sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp, cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin về quy định, cơ chế chính sách của Nhà nước về hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp...

Hải Quân

Tin xem nhiều