Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận thức rõ hơn về thách thức khi Việt Nam gia nhập CPTPP

10:11, 21/11/2018

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia, được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia, được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.

CPTPP sẽ tạo động lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả về chiều rộng và chiều sâu (ảnh minh họa).
CPTPP sẽ tạo động lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả về chiều rộng và chiều sâu (ảnh minh họa).

CPTPP được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia. CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP với cam kết mở cửa thị trường sẽ là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới, cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia thành viên.        

* Cơ hội và thách thức

Là nước có trình độ kinh tế thấp nhất trong 11 nước thành viên CPTPP, tham gia hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong hội nhập quốc tế của Việt Nam sau sự kiện là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). CPTPP sẽ tạo động lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả về chiều rộng và chiều sâu, đồng thời đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, hàng điện tử…; đồng thời là cơ hội để chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, từ đó nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo; có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

CPTPP dự báo sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng gần 500 triệu dân, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn thế giới.

Tuy nhiên, tham gia CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức toàn diện và đầy đủ những thách thức khi tham gia CPTPP, từ đó có đối sách khắc phục có hiệu quả.

Trong 11 nước tham gia CPTPP, chỉ có Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nước còn lại đều là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, như vậy CPTPP vẫn mang bản chất của chủ nghĩa tư bản, do một số nước tư bản chi phối. Vẫn có thể có một “kịch bản” các thế lực thù địch sử dụng CPTPP như một công cụ hữu hiệu để can thiệp vào công việc nội bộ, xâm hại đến chủ quyền quốc gia của những nước khác. Trong môi trường như vậy, khi Việt Nam gia nhập CPTPP sẽ là “cơ hội vàng” để các thế lực thù địch lợi dụng tăng cường chống phá cách mạng nước ta.

* Nhận diện nguy cơ, có giải pháp phù hợp

Trước hết, thông qua việc Việt Nam gia nhập CPTPP, các thế lực thù địch sẽ tạo sức ép, gây áp lực để chúng ta thay đổi thể chế kinh tế, chính trị. Với nhiều thỏa thuận lớn, những tiêu chuẩn rất cao cả về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động, tài chính, tiền tệ... khi tham gia CPTPP, đòi hỏi nước ta phải có sự điều chỉnh cả về luật pháp, cơ chế, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch, chính sách kinh tế - xã hội để phù hợp với những cam kết của hiệp định, trong đó có nhiều quy định thách thức độc lập chủ quyền quốc gia, đến an ninh - quốc phòng của nước ta.

Thực tế, trong quá trình tham gia đàm phán, một số nước tư bản đã đặt ra những điều kiện về chính trị như: dân chủ, nhân quyền, tự do, tôn giáo. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia CPTPP trong điều kiện trình độ nền kinh tế còn thấp sẽ gặp nhiều khó khăn để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng nguy cơ lệ thuộc vào kinh tế dẫn đến lệ thuộc về chính trị. Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng cơ hội này đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” để chuyển hóa nền kinh tế nước ta đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Cùng với đó, khi tham gia CPTPP, quan hệ thương mại và giao lưu quốc tế của nước ta ngày càng được mở rộng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều; đối tác quan hệ thương mại cũng phức tạp hơn, bởi chúng ta phải thực hiện nhiều cam kết liên quan đến quy định đầu tư nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những đối tác “thiện chí” có thể sẽ có những đối tác “không thiện chí”, lợi dụng các quan hệ kinh tế, thương mại và phi thương mại để đưa vào nước ta những giá trị văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua các loại hàng hóa đồ chơi, dịch vụ kích động bạo lực; hàng hóa, ấn phẩm có nội dung, nhãn mác cổ vũ cho lối sống buông thả, thực dụng; tổ chức các hoạt động tình báo, gián điệp xâm hại đến quốc phòng - an ninh của nước ta, làm cho công tác quản lý xã hội, quản lý người nước ngoài, bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật quân sự sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này dễ làm cho một bộ phận nhân dân có nhận thức đơn giản, không phân biệt rõ địch - ta, bạn - thù, đối tượng - đối tác, độc lập và phụ thuộc, mơ hồ về lợi ích quốc gia, dân tộc… từ đó việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Đó cũng là những trở ngại cho việc xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, cản trở sự hình thành thế giới quan cách mạng cho thế hệ trẻ ở nước ta.

Vì vậy, nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực ấy thì không những bản sắc văn hóa dân tộc bị lu mờ hoặc mất dần mà còn làm gia tăng nhân tố gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch tăng cường can dự và đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” chống phá
cách mạng nước ta.

Như vậy, cùng với những lợi ích khi tham gia CPTPP đem lại, chúng ta còn phải đối mặt với những thách thức nhất định. Để chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng làm cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân nhận thức sâu sắc sự cần thiết khách quan, lợi ích đem lại cho nền kinh tế cũng như những thách thức khi nước ta tham gia CPTPP để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; triệt để khai thác những cơ hội, lợi ích do CPTPP mang lại, đồng thời đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế.

Khi tham gia CPTPP, chúng ta phải làm tốt công tác chuẩn bị, tích cực và chủ động rà soát các thủ tục pháp lý, chú ý bảo đảm sự đồng bộ và phối hợp các chính sách, cơ quan quản lý và hài hòa tính 2 mặt của chính sách, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, kiên quyết đấu tranh với những ý đồ áp đặt, xâm phạm đến độc lập, chủ quyền của đất nước. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy nội lực, tận dụng các nguồn lực để phát triển nhanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế và sức cạnh tranh cao. Thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung ứng nguyên liệu; từng bước hình thành đầy đủ và đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, đồng thời có sự gắn kết thị trường khu vực và quốc tế; tăng cường công tác giám sát, phản biện, bảo đảm tính ổn định kinh tế - chính trị và xã hội. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong quan hệ thương mại quốc tế, có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quản lý người nước ngoài, tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng quan hệ thương mại để chống phá cách mạng nước ta.

Đại tá, TS.Ngọ Văn Duy

(Trường đại học Nguyễn Huệ)

Tin xem nhiều