Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông sản nào là "chủ lực"?

09:11, 04/11/2018

Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn gồm: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, thịt heo, thịt gà…

Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn gồm: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, thịt heo, thịt gà…

Đồng Nai quan tâm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành chế biến heo, gà đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Koyu & Unitech (TP.Biên Hòa).
Đồng Nai quan tâm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành chế biến heo, gà đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Koyu & Unitech (TP.Biên Hòa).

Tỉnh cũng đang xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu lựa chọn các mặt hàng nông lâm sản chủ lực trong bối cảnh hội nhập. Qua đó, địa phương sẽ quy hoạch phát triển nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững. 

* Quy hoạch cần sát thực tế

Trong thực tế, một số loại cây ăn trái không nằm trong nhóm mặt hàng chủ lực nhưng vẫn phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây vì cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, cây thanh long ruột đỏ chỉ trong vài năm đã nhân rộng lên hàng ngàn hécta, diện tích chuối già xuất khẩu có thời điểm lên đến gần chục ngàn hécta…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai cần tập trung về vấn đề thị trường, các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, xuất khẩu; vừa có hướng chế biến các sản phẩm phục vụ chính ngành nông nghiệp.

Ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho rằng: “Hiện chưa có loại cây ăn trái nào qua mặt được trái thanh long về sản lượng hàng xuất khẩu, đang đứng đầu về lợi nhuận cao. Đồng Nai đang phát triển rất nhanh diện tích thanh long ruột đỏ. Nhưng vì đây không phải là cây trồng chủ lực nên địa phương chưa đầu tư đúng tầm để phát triển”.

Cùng quan điểm quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn với thực tế, ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Với phương châm lấy nhà vườn làm trọng tâm, huyện đang xây dựng kế hoạch minh bạch thông tin từ khâu sản xuất, phân phối đến nâng cao hoạt động truyền thông đối với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng được những thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường”.

Tham gia góp ý cho đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ nhấn mạnh: “Đề án nên hướng tới các mục tiêu cụ thể, từ đó xây dựng khung nội dung, đánh giá hiện trạng, các giải pháp, cách tiếp cận thị trường đối với từng sản phẩm. Cần nghiên cứu xu hướng thế giới, tiêu thụ trong nước, trong khu vực để có phương án hợp lý, đề xuất các chính sách, cơ chế, phương án xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với từng sản phẩm”.

* Gắn với chế biến, xuất khẩu

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn khẳng định, Đồng Nai còn có thế mạnh về chăn nuôi, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn về chăn nuôi heo, gà nên có nguồn giống khá tốt, từ đó phát triển nhiều công nghệ chế biến tiên tiến. Do đó nên tập trung phân tích, nghiên cứu để tận dụng, nâng cao giá trị các sản phẩm có nhiều lợi thế về chế biến như: heo, gà, cà phê, tiêu, điều…

TS.Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn (IPSARD) nhận định: “Đồng Nai có thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế đô thị. Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cần lưu ý việc lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu trọng điểm để phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên. Tỉnh cần nghiên cứu sâu về các ngành hàng nông sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương để có hướng xây dựng các chuỗi liên kết, đề nghị về chính sách phù hợp…”.

Là thành viên của nhóm tư vấn đề án, TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ, đề án sẽ tập trung nghiên cứu tại thị trường Đồng Nai, thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài tiềm năng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh. Định hướng là đưa Đồng Nai trở thành vùng chế biến cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu) của Việt Nam và thế giới.

Về chăn nuôi, cần đánh giá rõ năng lực cạnh tranh của các mô hình sản xuất của Đồng Nai với sản phẩm nhập khẩu của Mỹ và EU xem cần cải thiện khâu nào để giữ vững được sân nhà và mở ra cơ hội xuất khẩu. “Cần thúc đẩy vai trò của hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược phát triển và bảo vệ doanh nghiệp trong hội nhập; xây dựng tổ chức nông dân tập thể và liên kết nông dân - doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy thương mại chính ngạch với Trung Quốc qua hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn. Điều cần chú trọng là thu hút nhà đầu tư để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản” - ông Khôi nói.

Bình Nguyên - Hải Quân

Tin xem nhiều