Báo Đồng Nai điện tử
En

Thống Nhất chuyển mình phát triển

11:12, 24/12/2018

Qua 15 năm xây dựng và phát triển (1-1-2004 - 1-1-2019), huyện Thống Nhất đang dần khẳng định là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế không chỉ trong địa bàn tỉnh mà cả trong khu vực.

Qua 15 năm xây dựng và phát triển (1-1-2004 - 1-1-2019), huyện Thống Nhất đang dần khẳng định là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế không chỉ trong địa bàn tỉnh mà cả trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh và Bí thư Huyện ủy Thống Nhất Bùi Thị Bích Thủy tham quan gian hàng trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Ảnh: Bình Nguyên
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh và Bí thư Huyện ủy Thống Nhất Bùi Thị Bích Thủy tham quan gian hàng trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Ảnh: Bình Nguyên

Để đạt được thành quả trên là nhờ  sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng người dân trong huyện chung tay chung sức đoàn kết tạo bước chuyển mình vượt bậc như ngày hôm nay.

* Vươn mình phát triển

15 năm trước phát triển, khi mới chia tách huyện, Thống Nhất có xuất phát điểm là huyện có nền kinh tế thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngay từ ngày đầu thành lập, lãnh đạo huyện Thống Nhất xác định thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, đồng thời coi nông nghiệp - nông dân - nông thôn là chiến lược, mục tiêu phát triển bền vững. Những năm qua, huyện Thống Nhất đã hình thành được 13 vùng cây trồng chủ lực với diện tích khoảng 2.600 hécta, tập trung vào 5 loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng là: sầu riêng, bưởi, tiêu, xoài và cà phê.

Đề án thành lập thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đã được Kỳ họp thứ 7 (bất thường) HĐND tỉnh khóa IX thông qua, chỉ chờ các bộ thẩm định và trình Quốc hội thông qua. Thị trấn Dầu Giây sẽ có 4 khu phố gồm: Lập  Thành, Trần Hưng Đạo của xã Xuân Thạnh và 2 ấp Trần Cao Vân, Phan Bội Châu thuộc xã Bàu Hàm 2. Các tiêu chí để lên thị trấn như: diện tích, dân số, hạ tầng kỹ thuật, thu nhập của người dân... đều đã đạt và vượt.

Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, huyện đã chọn heo, gà là những vật nuôi chủ lực. Đến nay, toàn huyện có trên 1 ngàn trang trại chăn nuôi và được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị ngành nông nghiệp luôn tăng lên qua từng năm, từ 28,08% năm 2004 lên 72,2% vào năm 2018.

Cùng với việc tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, huyện đã đầu tư liên kết hình thành các vùng chuyên canh nông sản chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã chung tay với nông dân nhằm tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, tháng 6-2017 huyện Thống Nhất đã khánh thành và đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây với sản lượng hơn 200 tấn hàng hóa được giao dịch/ngày đêm. Chợ đi vào hoạt động đã phần nào giải được bài toán tiêu thụ nông sản của người dân cũng như các hợp tác xã trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thành (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc) cho biết, trước đây người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp một cách manh mún, nhỏ lẻ nên năng suất không cao. Nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như triển khai hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp tăng năng suất cây trồng, nhờ đó thu nhập của người nông dân cũng khá hơn.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục - đào tạo cũng được huyện Thống Nhất quan tâm đầu tư. Hiện toàn huyện có 59 trường công lập, 40 nhà, nhóm trẻ độc lập, 1 trường đại học, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp có quy mô lớn, khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn. Hiện địa bàn huyện không còn phòng học tạm bợ, các xã đều có trường học từ mầm non, tiểu học cho đến THCS.

Ấn tượng nhất trong quá trình 15 năm xây dựng và phát triển của huyện Thống Nhất là thu nhập của người dân. Nếu như khi mới thành lập vào năm 2004, thu nhập bình quân  đầu người chỉ từ 5 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 đã  tăng lên hơn 11 lần với 57,4 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 12,6 % (năm 2006) xuống còn 0,64 % (năm 2018).

Thống Nhất là địa phương thứ 3 của tỉnh Đồng Nai về đích nông thôn mới vào năm 2015. Đến nay huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2018 có thêm 2 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, đã hoàn chỉnh thủ tục chờ hội đồng thẩm định nông thôn mới của tỉnh công nhận.

* Phát huy thế mạnh đầu mối giao thông

Huyện Thống Nhất  có vị trí địa lý khá thuận lợi, địa bàn huyện nằm trên vị trí giao nhau giữa tuyến quốc lộ 1 và tuyến quốc lộ 20. Đồng thời, huyện nằm trên tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành -  Dầu Giây. Trong tương lai, 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và Dầu Giây - Phan Thiết sẽ đi qua địa bàn huyện. Nắm bắt lợi thế trên, huyện Thống Nhất chọn đây là tiền đề cho phát triển dịch vụ vận tải, trạm dừng chân, vốn đang còn rất nhiều tiềm năng.

Vườn bưởi cho năng suất cao tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất.
Vườn bưởi cho năng suất cao tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất.

Năm 2004, từ một huyện thuần nông chưa có khu, cụm công nghiệp thì đến nay trên địa bàn huyện được quy hoạch Khu công nghiệp Dầu Giây, Khu công nghiệp Gia Kiệm, Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico - xã Lộ 25 và 2 cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2004-2006 của huyện tăng 11,47%, giai đoạn 2006-2010 tăng 16,96%.

Vào năm 2004 khi mới thành lập, huyện Thống Nhất chỉ có hơn 600 đảng viên; 10/46 ấp trắng đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện Thống Nhất có trên 2.500 đảng viên. Tất cả các ấp đã có đảng viên và tất cả các chi bộ ấp đã có chi ủy. Hằng năm, tỷ lệ phát triển Đảng của huyện Thống Nhất luôn đạt con số ấn tượng với hơn 9%/năm.

Với thuận lợi cơ bản là tiếp giáp với những trục giao thông chính, huyện Thống Nhất đã được quy hoạch hệ thống các khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 1 ngàn hécta, nhằm xây dựng huyện mang hình mẫu mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác tiềm năng của huyện theo hướng công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, trong thời gian tới huyện tập trung phát triển các hệ thống phân phối hàng hóa với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Huyện cũng sẽ tổ chức thị trường nông thôn đảm bảo cho nông dân bán nông sản, mua vật tư cho sản xuất, hàng hóa cho tiêu dùng sinh hoạt với giá cả hợp lý và giao dịch thuận lợi; khuyến khích đổi mới tổ chức, hoạt động của hợp tác xã và mạng lưới đại lý mua bán. Đồng thời, huyện tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong tỉnh, trong vùng, từng bước tham gia thị trường các nước trong khu vực…

Cũng theo lãnh đạo huyện Thống Nhất, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, trong thời gian tới huyện xác định tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết tốt các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Ngoài ra, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị, trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn.

Văn Chính - Bá Trực

Tin xem nhiều