Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng "chất" cho hợp tác xã

09:12, 31/12/2018

Sau 7 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 130 HTX nông nghiệp, tăng gần gấp đôi so với năm 2012.

Sau 7 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 130 HTX nông nghiệp, tăng gần gấp đôi so với năm 2012.

Nhiều hợp tác xã của Đồng Nai sản xuất sạch để xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng. Trong ảnh: Sơ chế, đóng gói nấm VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại nấm Tuấn Lộc (huyện Xuân Lộc).
Nhiều hợp tác xã của Đồng Nai sản xuất sạch để xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng. Trong ảnh: Sơ chế, đóng gói nấm VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại nấm Tuấn Lộc (huyện Xuân Lộc).

Về phát triển HTX trong giai đoạn mới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Cần tập trung ưu tiên phát triển HTX vì đây là mô hình kinh tế tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển HTX nhất định không được chạy theo phong trào, phải lấy hiệu quả làm gốc”. 

* Phát triển thêm hợp tác xã chăn nuôi

Toàn tỉnh hiện có 13 HTX chăn nuôi, chiếm 10% trên tổng số HTX nông nghiệp của Đồng Nai. Đây là con số khiêm tốn khi Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi thuộc tốp đầu về tổng đàn heo, gà của cả nước.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, ngoài thành lập mới, tỉnh sẽ tập trung củng cố 130 HTX đang hoạt động; phấn đấu mở rộng quy mô các HTX trên từ 800-1.000 hécta/HTX; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, làm tốt công tác thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Chỉ ra giải pháp cho thực trạng này, bà Lê Thị Thu Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Lifsap Đồng Nai cho rằng chăn nuôi nhỏ lẻ đang mất dần chỗ đứng do yếu thế trong cạnh tranh. Muốn tồn tại, người chăn nuôi phải vào chuỗi liên kết sản xuất an toàn. Hiện toàn tỉnh đã hình thành được 3 vùng GAHP (vùng thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) với 67 tổ hợp tác và 821 hộ chăn nuôi. Trong đó, có hàng chục tổ hợp tác đã được cấp chứng nhận VietGAHP, nhiều đơn vị đã ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp cung cấp heo sạch vào siêu thị. “Đây là nền tảng rất tốt để các địa phương liên kết các tổ hợp tác để thành lập các HTX chăn nuôi an toàn với đầu ra bền vững” - bà Hoài khẳng định.  

Nói về sự cần thiết của việc thành lập HTX, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiêm Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) chia sẻ, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Các xã viên được hỗ trợ từ con giống đến kỹ thuật mới trong chăn nuôi; mua chung đầu vào với chi phí rẻ.

“Quan trọng nhất là việc sản xuất theo chuỗi khép kín, đồng bộ, hiện đại sẽ giúp bảo đảm về chất lượng thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc, hạn chế phát sinh, lây lan các dịch bệnh trên động vật và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, HTX Đồng Hiệp ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp nên đảm bảo đầu ra bền vững cho xã viên” - ông Công nói.

* Không chạy theo thành tích

Nêu ra những khó khăn trong việc phát triển HTX thời gian qua, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Đa số nông dân chưa thiết tha với HTX. Họ tham gia vì quan tâm đến những ưu đãi, hỗ trợ trước mắt chứ chưa thật sự gắn bó. Chính vì vậy, việc chậm trễ các gói hỗ trợ hoặc chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi do vướng về thủ tục, hồ sơ là rào cản không nhỏ để HTX mở rộng quy mô sản xuất”.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thực trạng nhức nhối là hiện còn 59% trên tổng số HTX xếp loại trung bình, yếu kém về hoạt động. Trong đó, có 47 HTX hoạt động không hiệu quả đã giải thể, chiếm 26,5% (47/177 HTX). Quy mô sản xuất - kinh doanh của HTX nông nghiệp còn nhỏ; vốn góp bình quân chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng/HTX, chưa đủ tiêu chí để xếp vào loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, lợi nhuận của HTX khá thấp, bình quân chỉ đạt 300 triệu đồng/năm. Vai trò của HTX làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết còn khiêm tốn vì chưa đến 10% số HTX làm chủ đầu tư các dự án cánh đồng lớn.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ ra thực trạng có một số địa phương thành lập HTX cho đủ số lượng để đạt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Kết quả, nhiều HTX hoạt động không hiệu quả hoặc còn mang tính hình thức. Theo đề án phát triển 15 ngàn HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2018-2020, chỉ tiêu của Đồng Nai phải thành lập thêm ít nhất là 80 HTX.

“Nhưng mục tiêu ở đây là các HTX được thành lập đều hoạt động tốt chứ không chạy theo số lượng. Vì thời gian tới, ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng dựng hàng rào kỹ thuật yêu cầu về chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc. Nếu không phát triển mạnh HTX, không xây dựng tốt các chuỗi liên kết thì đầu ra của nông sản sẽ là vấn đề rất khó khăn” - ông Vinh cảnh báo.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều