Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành lập thị trấn vùng "rốn" giao thông

10:12, 05/12/2018

Với những lợi thế về vị trí địa lý cũng như tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc thành lập thị trấn tại khu vực ngã tư Dầu Giây nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của huyện Thống Nhất.

Với những lợi thế về vị trí địa lý cũng như tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc thành lập thị trấn tại khu vực ngã tư Dầu Giây nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của huyện Thống Nhất.

Một góc ngã tư Dầu Giây hiện nay.
Một góc ngã tư Dầu Giây hiện nay.

* Nên thành lập thị trấn

Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất - đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây nhận định, chính quyền nên thành lập thị trấn Dầu Giây để đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện Thống Nhất. Địa thế để lập thị trấn Dầu Giây khá thuận lợi, vừa là đầu mối giao thông quốc gia với 2 quốc lộ đi qua (quốc lộ 1 và quốc lộ 20), vừa là nơi gặp nhau của 3 tuyến đường cao tốc: TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây và Dầu Giây - Liên Khương. Ở đây có Khu công nghiệp Dầu Giây sát bên, có chợ đầu mối của khu vực và nhiều khu dân cư đang phát triển.

Người dân ở khu vực này cũng mong đợi thành lập thị trấn Dầu Giây để xứng tầm trung tâm của huyện Thống Nhất. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân ở xã Bàu Hàm 2 chia sẻ: “Khu vực ngã tư Dầu Giây so với trước đây đã phát triển rất nhiều, cũng cần thành lập thị trấn để trung tâm hành chính của huyện ở thị trấn, hiện nay đang nằm trên địa bàn xã Xuân Thạnh không hợp lắm”. Bà Minh cũng cho rằng, khi thành lập thị trấn sẽ có điều kiện đầu tư cho khu vực dân cư ở đây tốt hơn.

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Văn Quang cho biết, đề án điều chỉnh địa giới hành chính các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh, Quang Trung và thành lập thị trấn Dầu Giây của huyện tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh cuối tháng 9-2018 đã được thông qua.

* Các tiêu chuẩn đều đạt

 Theo đề án, thị trấn Dầu Giây sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 14,14km2, vừa bằng với diện tích theo quy định của Quốc hội; quy mô dân số khu vực này hơn 23.300 người (quy định tối thiểu của 1 thị trấn là 8 ngàn người trở lên); khu vực này đã được công nhận là đô thị loại V.

Cầu vượt ngã tư Dầu Giây trên quốc lộ 1 đang được xây dựng nhằm chống ùn tắc cho khu vực này
Cầu vượt ngã tư Dầu Giây trên quốc lộ 1 đang được xây dựng nhằm chống ùn tắc cho khu vực này

Tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng đạt theo tiêu chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể như: việc cân đối được thu chi ngân sách nơi đây đã đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất của huyện Thống Nhất là 1,35% thì ở khu vực dự kiến thành lập thị trấn Dầu Giây là 1,1%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp theo quy định của một thị trấn phải từ 65% trở lên trong khi nơi đây đạt 76%.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, chiếu theo các tiêu chuẩn cơ bản theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thành lập thị trấn thì khu vực dự kiến thành lập thị trấn Dầu Giây đều đạt được. Mô hình quản lý chính quyền nông thôn hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này, bởi tốc độ đô thị hóa và công nghiệp phát triển mạnh.

 Theo báo cáo của UBND huyện Thống Nhất, hiện nay cơ cấu kinh tế khu vực này đã chuyển dịch hẳn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, lực lượng lao động từ các nơi khác tập trung về đây tìm kiếm việc làm, sinh sống tăng lên khá nhanh. Việc thành lập thị trấn Dầu Giây được UBND tỉnh xác định là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thống Nhất nói riêng và của tỉnh nói chung.

Vân Nam

Tin xem nhiều