Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bùng nổ" chuỗi cửa hàng thực phẩm

10:01, 27/01/2019

Thời gian qua, sự phát triển chuỗi hệ thống các cửa hàng thực phẩm ở Đồng Nai nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng diễn ra khá sôi động với nhiều nhà đầu tư tiềm năng...

Thời gian qua, sự phát triển chuỗi hệ thống các cửa hàng thực phẩm ở Đồng Nai nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng diễn ra khá sôi động với nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Hàng loạt các “đại gia” như: Co.op Food, VinMart+, C.P Pork Shop, Bách Hóa Xanh… đã phát triển hệ thống mạng lưới cửa hàng thực phẩm, tiện lợi tại Đồng Nai.

Người dân đến tham quan, mua sắm tại một cửa hàng thực phẩm Co.op Food ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa)
Người dân đến tham quan, mua sắm tại một cửa hàng thực phẩm Co.op Food ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa)

* Tiềm năng bán lẻ rất lớn

Theo Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 60 cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi hoạt động trên toàn tỉnh với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, góp phần cung cấp hàng hóa phong phú đa dạng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Lê Hồng Xuân, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Saigon.Coop nhận định, Đồng Nai là khu vực có sự phát triển về kinh tế năng động và là thị trường tiềm năng để phát triển các chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, công ty đã có 12 cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống Co.op Food của công ty, và trong năm 2019 dự kiến mở rộng lên 20 cửa hàng.

Để giúp chợ truyền thống đứng vững trước các kênh mua sắm hiện đại đang phát triển mạnh, trong thời gian qua Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, phối hợp Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn xây dựng các điểm bán thực phẩm sạch tại 4 chợ của TX.Long Khánh, huyện Tân Phú và phát triển thêm 53 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn gồm 40 điểm cung cấp thịt heo, 13 điểm bán các loại rau, củ, quả tại 8 chợ của TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Trảng Bom trong năm 2018.

Tương tự, đại diện của hệ thống VinMart+ cho biết tại khu vực TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu có 46 cửa hàng VinMart+ với đầy đủ hàng thực phẩm, thịt, cá, rau, củ quả... Lượng khách bình quân mỗi năm tăng khoảng 30-40% kể từ khi có cửa hàng VinMart đầu tiên ở TP.Biên Hòa. Dự kiến trong năm 2019, sẽ mở thêm nhiều cửa hàng mới ở khu vực này.

Ông Nguyễn Trọng Trí, Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, công ty có 8 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Pork Shop và 2 cửa hàng Fresh Mart chuyên cung ứng các sản phẩm của công ty như: thịt tươi, thực phẩm chế biến, trứng gà... đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn VietGap.

* Cạnh tranh với chợ truyền thống

Bà Trương Thị Thơm (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nhận xét, cửa hàng thực phẩm có nhiều ưu điểm như: các sản phẩm được sắp xếp theo khu vực một cách ngăn nắp, trật tự; có nguồn gốc rõ ràng... Ngoài ra, việc thanh toán nhanh chóng, không gian mua hàng mới mẻ, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng cũng tạo điều kiện thu hút người tiêu dùng…

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, các chuỗi cửa hàng thực phẩm, tiện lợi của các công ty, tập đoàn lớn tại Đồng Nai phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, thường tập trung ở các khu vực đông dân cư, trường học, bệnh viện với thời gian mở cửa tối thiểu từ 16 giờ/ngày, thậm chí có cửa hàng còn mở cửa 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đây cũng là một trong những kênh tiêu thụ mới, tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản phát triển bền vững với đầu ra, giá cả ổn định, có hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa công ty phân phối và người sản xuất, tránh tình trạng người nông dân bị thương lái ép giá.

Chính vì vậy, mô hình này cũng tác động không nhỏ đến chợ truyền thống. Việc người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn trong việc mua sắm sẽ buộc tiểu thương ở chợ truyền thống phải tự làm mới mình, sản phẩm cần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi phong cách phục vụ để người tiêu dùng không quay lưng…

Ông Lê Văn Lộc chia sẻ thêm, bên cạnh chợ truyền thống, sự phát triển của mô hình này cũng góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, trước những quy định khắt khe trong việc kiểm soát đầu vào khi đưa vào các cửa hàng thực phẩm, tiện lợi thì việc người nông dân sản xuất theo cách truyền thống mà không theo quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là rào cản chính làm cho nông sản địa phương khó đặt chân vào các hệ thống phân phối thực phẩm theo hướng hiện đại này.

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích