Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm bàn giao mặt bằng: "Vỡ" tiến độ, tăng chi phí

02:01, 22/01/2019

Nỗi ám ảnh của việc đầu tư các dự án nói chung và dự án giao thông nói riêng là tình trạng giải phóng mặt bằng chậm. Điều này dẫn đến những hệ lụy như ảnh hưởng đến tiến độ chung trong thi công...

Nỗi ám ảnh của việc đầu tư các dự án nói chung và dự án giao thông nói riêng là tình trạng giải phóng mặt bằng chậm. Bế tắc về mặt bằng dẫn đến những hệ lụy như ảnh hưởng đến tiến độ chung trong thi công, chậm đưa công trình vào khai thác và bị tăng vốn đầu tư.

Cầu vượt ngã tư Dầu Giây hiện vừa làm vừa đợi mặt bằng
Cầu vượt ngã tư Dầu Giây hiện vừa làm vừa đợi mặt bằng

Những công trình giao thông lớn tại Đồng Nai hiện đang ì ạch về mặt bằng phải kể đến là: nút giao Dầu Giây, đường 319B, đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành

* Nhiều dự án ì ạch

Sau khi hoàn thành dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc, Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) đã đồng ý sử dụng nguồn vốn dư từ dự án này để thực hiện mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây. Dự án gồm xây dựng cầu vượt với chiều rộng là 16m, gồm 4 làn xe cơ giới và chiều dài của cầu là 34,6m. Cùng với đó là mở rộng tuyến quốc lộ 20 đoạn qua huyện Thống Nhất dài 1,5km từ nút giao Dầu Giây về hướng Đà Lạt.

Dự án này được khởi công vào tháng 2-2017 và theo kế hoạch được duyệt của Bộ GT-VT sẽ hoàn thành đưa sử dụng vào tháng 3-2018. Đến nay đã quá thời hạn gần 1 năm nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành, tiến độ thi công khá chậm, chỉ mới đạt khoảng 70% khối lượng công việc. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long cho hay, dự án đã được Bộ GT-VT gia hạn 1 lần đến hết tháng 10-2018, sau đó Ban Quản  lý dự án 7 (đơn vị được Bộ GT-VT giao quản lý dự án) tiếp tục xin gia hạn lần nữa vì chưa có mặt bằng thi công, còn lại hơn 7 ngàn m2 đất của 168 hộ hiện chưa đền bù xong. Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết nhà thầu thi công công trình phải làm cầm chừng vì không có mặt bằng.

Dự án đường 319 nối dài và nút giao với tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Nhơn Trạch) cũng nằm trong tình trạng vừa thi công vừa đợi mặt bằng. Dự án đã được khởi công từ tháng 8-2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Đến nay, sau hơn 3 năm khởi công, tuyến đường vẫn chưa xong và còn “lùng nhùng” vì vướng mặt bằng.

Đường 319 nối dài có chiều dài 9,46km, trong đó tuyến chính dài gần 2,4km, mặt đường rộng 16m và các nhánh rẽ dài hơn 7km, mặt đường rộng 8m. Theo Công ty cổ phần BOT 319 - Cường Thuận CTI (chủ đầu tư) thì tiến độ gói thầu xây lắp số 1 đường 319 và nút giao cuối tuyến mới thực hiện hơn 56%; tiến độ gói thầu xây lắp số 3 và số 4 tuyến nhánh nối vào đường cao tốc tiến độ lần lượt là 47% và 23%. Theo chủ đầu tư, đến nay mặt bằng vẫn chưa bàn giao xong, vướng mắc nhiều nhất tập trung ở khu vực ngã tư Bến Cam, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Mới đây chủ đầu tư đã xin gia hạn hợp đồng đến cuối năm 2019.

Với đoạn đường 319B chỉ dài 1,2km từ ngã ba Bến Cam đến Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 được tiến hành công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2011, qua 8 năm vẫn chưa xong để đơn vị thi công triển khai xây dựng. Đây là dự án rất quan trọng của Nhơn Trạch để chống ùn tắc giao thông.

Cũng nằm trong diện ách tắc về mặt bằng kéo dài, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chủ đầu tư đang trong tình trạng đứng ngồi không yên vì lo “vỡ” tiến độ. Dự án này được thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2014, đến nay vẫn chưa hoàn tất. Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cho biết dự án đang còn 170 hộ dân ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch chưa bàn giao mặt bằng. Đây là dự án liên quan đến vốn vay quốc tế nên chủ đầu tư là Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khá áp lực.

Không chỉ những dự án này mà hầu hết các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đều rơi vào tình trạng vướng mặt bằng dẫn đến “vỡ“ tiến độ. Có thể kể đến như đường 769 (Long Thành - Nhơn Trạch), đường 25B (Long Thành - Nhơn Trạch), đường 768 (Biên Hòa - Vĩnh Cửu), đường Điểu Xiển (Biên Hòa - Trảng Bom); đường Dầu Giây - Sông Nhạn…

* Càng chậm càng tăng vốn

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án 7, việc chậm giải phóng mặt bằng chậm cho dự án mở rộng nút giao Dầu Giây không chỉ gây ra khó khăn cho thi công chậm tiến độ mà vốn đầu tư cũng bắt đầu tăng lên. Ông Hoàng Tuấn Khoát cho hay, việc chậm giao mặt bằng đã làm phát sinh thêm vốn do giá đất, các chính sách đền bù thay đổi dẫn đến kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng tăng thêm 77 tỷ đồng. Cũng theo Ban Quản lý dự án 7, tổng vốn đầu tư cho dự án này được Bộ GT-VT duyệt ban đầu là 300 tỷ đồng đến nay đã không đủ, hiện đang kiến nghị Bộ GT-VT
cho bổ sung nguồn kinh phí. 

Biểu đồ thể hiện tổng số mức đầu tư đã duyệt, mức đầu tư tăng thêm của một số dự án giao thông điển hình trên địa bàn tỉnh   (Thông tin: Khắc Giới - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện tổng số mức đầu tư đã duyệt, mức đầu tư tăng thêm của một số dự án giao thông điển hình trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Khắc Giới - Đồ họa: Hải Quân)

Cũng trong tình trạng công trình thi công chậm ở dự án đường 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, chủ đầu tư phải điều chỉnh vốn phát sinh. Ông Đới Hùng Cường, Giám đốc Công ty cổ phần BOT 319 - Cường Thuận CTI cho biết dự án kéo dài công trình phải điều chỉnh ở một số điểm, tổng kinh phí đầu tư phát sinh gần 100 tỷ đồng và đang xin bổ sung. Bên cạnh đó, dự án đường 319B chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng phải xin điều chỉnh tăng thêm vốn hơn 70 tỷ đồng để triển khai. Cụ thể, nguồn vốn được duyệt cho dự án này năm 2017 là hơn 516 tỷ đồng, nhưng đến nay chi phí đã tăng lên hơn 587 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thì phần tăng chi phí này rơi vào khoản tiền dành cho giải phóng mặt bằng từ 213 tỷ đồng lên hơn 283 tỷ đồng. “Các khoản chi phí khác như trượt giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công tăng không quá cao đã được tính trong chi phí dự phòng, riêng tiền đền bù cho dân nếu chậm tiến độ sẽ tăng lên rất nhiều” - ông Nguyễn Linh, Trưởng phòng Giao thông Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chia sẻ.

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cho biết dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến năm 2020 là hết hiệp định vay vốn, nếu dự án không kịp tiến độ sẽ bị cắt phần vốn vay, lúc đó phải sử dụng nguồn vốn khác và phương án xử lý nền đường theo quy trình khác, như vậy chi phí sẽ tăng lên. Theo tính toán của Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, dự án thực hiện chậm các chi phí khác như giám sát, tư vấn cũng tăng theo, có thể nguồn vốn phát sinh thêm của dự án này từ 100-200 tỷ đồng do trễ tiến độ. “Mặt bằng bàn giao không liền thửa đơn vị thi công cũng không thể thi công được. Tiến độ thực hiện dự án tính từng ngày trong khi mặt bằng không có. Đây là dự án có vốn vay ADB (Ngân hàng phát triển châu Á), có yêu cầu về khoản vay đã cam kết sau ngày 17-12-2020 sẽ không thể gia hạn thêm” - ông Lê Mạnh Hùng nói.

Theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Đồng Thanh, các vướng mắc dẫn đến chậm trễ mặt bằng ở các dự án này nguyên nhân là do chênh lệch giá. Ngoài ra một số trường hợp chưa bố trí được nơi tái định cư. Cũng theo ông Thanh, không phải riêng các dự án này mà nhiều dự án trước đây cũng bị tình trạng tương tự.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều