Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội nào cho mía đường Đồng Nai?

10:01, 04/01/2019

Theo quy hoạch phát triển của Đồng Nai đến năm 2030, tuy diện tích mía giảm xuống còn 6.550 hécta nhưng sản lượng đường sẽ đạt 70-75 ngàn tấn/năm, tăng gần gấp đôi sản lượng sản xuất hiện tại.

Theo quy hoạch phát triển của Đồng Nai đến năm 2030, tuy diện tích mía giảm xuống còn 6.550 hécta nhưng sản lượng đường sẽ đạt 70-75 ngàn tấn/năm, tăng gần gấp đôi sản lượng sản xuất hiện tại.

Để quy hoạch trên đi vào thực tế, ngành mía đường nội địa phải “giảm lượng, tăng chất” bằng hàng loạt giải pháp.

Biểu đồ thể hiện diện tích trồng mía đường, năng suất mía bình quân, sản lượng đường bình quân năm 2018; quy hoạch đến năm 2020 và năm 2030. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện diện tích trồng mía đường, năng suất mía bình quân, sản lượng đường bình quân năm 2018; quy hoạch đến năm 2020 và năm 2030. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

* Diện tích giảm nhưng phải tăng sản lượng

Hiện diện tích mía của Đồng Nai còn hơn 8 ngàn hécta, chiếm trên 3% tổng diện tích sản xuất cây hằng năm của tỉnh. Năng suất mía bình quân đạt trên 68 tấn/hécta, sản lượng mía cây đạt trên 547 ngàn tấn/năm. Trong đó, diện tích vùng nguyên liệu có ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh là trên 4,6 ngàn hécta. Năm 2018, sản lượng đường do các nhà máy đường của tỉnh sản xuất ước đạt gần 39 ngàn tấn. 

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, diện tích trồng mía tiếp tục giảm mạnh theo từng năm về mức trên 7,6 ngàn hécta vào năm 2020 và còn 6,5 ngàn hécta vào năm 2030. Nhưng sản lượng đường sản xuất ra lại tăng mạnh lên mức 50-55 ngàn tấn vào năm 2020 và đạt 70-75 ngàn tấn vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với sản lượng đường sản xuất hiện nay.

Năng suất mía bình quân sẽ đạt 68-70 tấn/hécta vào năm 2020 và nâng lên 70-72 tấn/hécta vào năm 2030; chữ đường bình quân đạt từ 10-11 CCS.  

* Để quy hoạch đi vào thực tế

Theo bà Trần Thị Tú Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh: “Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai không để mất vùng nguyên liệu mía. Địa phương sẽ khuyến khích nông dân giữ đất trồng mía bằng những chính sách ưu đãi thiết thực”. Do đó, địa phương sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về đường sá, kênh mương thủy lợi, về giống, kỹ thuật sản xuất, tạo điều kiện để nông dân trồng mía tiếp cận được gói vay vốn ưu đãi khi tham gia cánh đồng lớn, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu để cây mía thật sự phát triển bền vững.

Không chỉ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, các nhà máy chế biến đường trên địa bàn tỉnh cũng đều có kế hoạch tăng công suất, mở rộng sản xuất đường trong thời gian tới. Ngoài ra, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành đường, các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất các sản phẩm phụ khác như: phân hữu cơ vi sinh, bã bùn…

Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét quy hoạch phát triển ngành mía đường của Đồng Nai là đúng hướng. Nhưng để quy hoạch có tính khả thi là bài toán không hề dễ trong giai đoạn ngành mía đường nội địa đang ở thế yếu như hiện nay. Ở đây, quy hoạch cần mang tính thực tế, thuyết phục người nông dân gắn bó với cây mía bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực để kéo giá thành sản xuất đường trong nước gần với mặt bằng chung của ngành đường thế giới. 

“Chúng tôi đang quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để giảm giá thành sản xuất. Tuy đang trong giai đoạn khó khăn nhưng nhà máy vẫn xây dựng kế hoạch tiếp tục tăng công suất chế biến trong thời gian tới. Vì khi bài toán khó của ngành mía đường được giải, chúng tôi không lo đầu ra bởi vì ngành sản xuất này hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa” - ông Lê Đình Nghiêm  nói:

Theo ông Lê Hoàng Dân, Giám đốc mua hàng khu vực Đông Dương của Công ty TNHH nước giải khát Coca-cola Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh), hiện doanh nghiệp vẫn chủ yếu dùng đường nội trong sản xuất vì chất lượng đảm bảo, khi có xảy ra vấn đề gì cũng dễ dàng đàm phán. Nếu đường nội giảm được giá thành sản xuất thì khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn. Cũng theo ông Dân, những doanh nghiệp muốn nhập khẩu đường trực tiếp để sử dụng cho sản xuất phải được cấp quota. Đây là một lợi thế cho đường nội địa.        

Hương Giang

                                        Lê Quyên

 

 

Tin xem nhiều