Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cứu cánh" là phải chế biến sâu

11:01, 14/01/2019

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai ngày càng quan tâm đến đầu tư chế biến sâu nhằm tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai ngày càng quan tâm đến đầu tư chế biến sâu nhằm tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu.

Đóng gói cà phê tại Công ty TNHH thực phẩm GC (huyện Trảng Bom).
Đóng gói cà phê tại Công ty TNHH thực phẩm GC (huyện Trảng Bom).

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản: “Nông sản Việt Nam không thể mãi loay hoay chờ giải cứu hay được mùa mất giá. Để thoát ra vòng luẩn quẩn này, cần phải giải quyết bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường”.

* Đồng Nai có nhiều lợi thế

Đồng Nai đang xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, 3 mặt hàng cà phê, tiêu, điều được đề xuất cần tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu. Đồng Nai đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm của cả nước về chế biến các mặt hàng trên. Tỉnh có nhiều lợi thế vì có diện tích trồng điều, cà phê, tiêu lớn; đồng thời có thể tận dụng nguồn nguyên liệu từ các địa phương lân cận là những vùng sản xuất lớn của 3 loại nông sản trên. Trong đó, xuất khẩu vẫn là thị trường chính của sản phẩm chế biến, cạnh tranh bằng chất lượng cao chứ không chạy theo sản lượng như trước.

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), hiện cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 ngàn tấn/năm. Trong đó, chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa giai đoạn 1 đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.

Ở góc độ địa phương, ông Toản gợi ý: “Những địa phương có vùng nguyên liệu trù phú, dồi dào các loại nông sản, trái cây như Đồng Nai chắc chắn là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến. Đồng Nai cần đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế để phát triển ngành chế biến cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương”.

Cũng theo ông Toản, từ năm 2018 Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Đặc biệt, 2 năm qua Bộ đã có chủ trương đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu; trong đó đẩy mạnh một số ngành chế biến nông sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới. Nhóm những nghị định, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã khá đầy đủ. Điều quan trọng là địa phương tổ chức triển khai như thế nào và doanh nghiệp ứng dụng thành công hay không.

* Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp mũi nhọn, then chốt để tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản. Đồng Nai đang hình thành nhiều cụm công nghiệp tại các huyện, thị. Những cụm công nghiệp nào gần vùng nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi, tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu. Mục tiêu của Đồng Nai là trở thành nơi có công nghiệp chế biến sâu nông sản phát triển nhất khu vực”.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn của Đồng Nai đều đẩy mạnh đầu tư chế biến. Cụ thể, Nestlé Việt Nam vừa đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm (tương đương 130 triệu viên) ở Khu công nghiệp Amata. Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.

Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng quan tâm đầu tư khâu chế biến. Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty TNHH thực phẩm GC (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Thay vì xuất thô nông sản, công ty đã nghiên cứu chế biến sâu một số loại nông sản như: nha đam, thạch dừa, cà phê để xuất khẩu sang 10 nước trên thế giới. Nông sản chế biến sâu có đầu ra ổn định nên công ty đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cao và hình thành vùng nguyên liệu để cả doanh nghiệp và nông dân đều yên tâm sản xuất”.

Khánh Minh - Lê Quyên

 

Tin xem nhiều