Báo Đồng Nai điện tử
En

Gấp rút thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

10:01, 16/01/2019

Thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Đồng Nai đã thực hiện thoái vốn theo phê duyệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước ở nhiều công ty đang rất chậm, nguyên nhân chủ yếu do liên quan đến đất đai, định giá chưa phù hợp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Đồng Nai đã thực hiện thoái vốn theo phê duyệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước ở nhiều công ty đang rất chậm, nguyên nhân chủ yếu do liên quan đến đất đai, định giá chưa phù hợp.

Bến xe Biên Hòa sẽ tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2019.
Bến xe Biên Hòa sẽ tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2019.

Theo UBND tỉnh, năm 2018 Đồng Nai tiến hành thoái vốn ở 25 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và cổ phần hóa Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico).

* Thoái vốn chậm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn gần 30 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo lộ trình của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh đã phê duyệt thì Đồng Nai sẽ tiến hành thoái vốn ở các công ty này. Trong đó, có những công ty sẽ thoái hết vốn nhà nước nhằm thu hồi và tăng thu cho ngân sách. Song trong quá trình thoái vốn, tại nhiều công ty có đất được Nhà nước giao, cho thuê đã gặp những vướng mắc trong việc định giá, dẫn đến việc thoái vốn chậm lại.

Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa cũng sẽ thoái vốn tại các đơn vị thành viên mà vốn nhà nước của Đảng không cần nắm giữ phần vốn theo quy định.

Các doanh nghiệp cần thoái vốn nhà nước chủ yếu thuộc Dofico và Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi). Trong đó, Dofico có 12 công ty con tiến hành thoái vốn như: Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn, Công ty cổ phần phát triển nhà Bình Đa, Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Nai, Công ty cổ phần Đồng Việt Thành, Công ty cổ phần gỗ Tân Mai...

Sonadezi cũng có 13 công ty con phải tiến hành thoái vốn là: Công ty cổ phần khu công nghiệp Định Quán, Công ty cổ phần bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai, Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình, Công ty cổ phần kinh doanh nhà Đồng Nai... Tuy nhiên đến hết năm 2018, chỉ có 4 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn, còn lại đang trong quá trình được các sở, ngành thẩm định, thuê đơn vị tư vấn giá cổ phiếu. Cũng có những công ty tiến hành đấu giá phần vốn thoái nhưng không thành công vì không có người mua.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Tổng giám đốc Dofico cho biết: “Việc tiến hành thoái vốn tại những công ty con thuộc Dofico chậm là do công tác định giá chưa hợp lý, còn quá cao nên không có người mua. Vì thế phải tiến hành định giá lại cho hợp lý, song việc thoái vốn còn lệ thuộc vào sự hấp thụ của thị trường”.

Thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước ngoài vướng những thủ tục trong quá trình thẩm định, định giá còn phụ thuộc vào việc cổ phiếu lên sàn có tìm được đối tác mua hay không. Những công ty có tiềm năng tốt sẽ được khách hàng săn đón ngay khi có thông tin sẽ thoái vốn, song những công ty làm ăn thua lỗ, tài sản không có giá trị thì ít được chú ý.

Tổng giám đốc Sonadezi Phan Đình Thám nhận định tiến trình thoái vốn nhà nước tại các công ty con chậm là do gặp khó khăn trong việc xác định giá trị được tạo thành từ quyền sử dụng đất, đất cho thuê hằng năm. Vì đất cho thuê 20-40 năm và yêu cầu tính giá trị suốt khoảng thời gian cho thuê rất khó làm được do giá thuê đất 5 năm sẽ điều chỉnh lại. Vấn đề này không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành cũng gặp khó khăn tương tự.

* Gỡ khó để thoái vốn nhanh

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình, ngay từ khi tiến hành thực hiện UBND tỉnh đã thành lập Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Đồng Nai cho biết, hầu hết những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn có liên quan đến đất đai đã được tháo gỡ vào cuối năm 2018, nên trong thời gian tới các doanh nghiệp có vốn nhà nước tiến hành cổ phần, thoái vốn sẽ thuận lợi và nhanh hơn.

Ông Đinh Việt Tiến, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Đến tháng 10-2018, những vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước về định giá, xác định giá trị đất đai và một số vướng mắc khác trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn mới được tháo gỡ khi Nghị định 32 của Chính phủ có hướng dẫn thực hiện cụ thể. Tuy nhiên do rơi vào thời điểm cuối năm nên các doanh nghiệp không thể kịp tiến độ thoái vốn theo kế hoạch”. Cũng theo ông Tiến, trong năm 2019 khi các khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ, các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn cho hay: “Công ty hiện còn gần 74% vốn nhà nước và đang định giá để tiến hành thoái hết vốn. Nếu những khó khăn được tháo gỡ thì có khả năng sẽ thoái hết vốn nhà nước trong năm 2019”.

Hiện tại Dofico đang tiến hành các thủ tục để đầu năm 2019 sẽ tiến hành cổ phần hóa và tiếp tục thoái vốn nhà nước ở các công ty con. Trong năm nay, Sonadezi cũng sẽ tiếp tục thoái vốn ở tổng công ty và những công ty con như: Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, Công ty cổ phần kinh doanh nhà Đồng Nai, Công ty cổ phần môi trường Sonadezi, Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2, Cảng Đồng Nai...

Hương Giang

Tin xem nhiều