Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cần sớm thực hiện dự án di dời

09:01, 16/01/2019

Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 đang chờ di dời nhưng thời điểm di dời hiện chưa xác định chính xác. Trong khi chờ dự án di dời, đơn vị được giao quản lý KCN này đang phải gánh chịu chi phí quản lý hằng năm...

Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 đang chờ di dời nhưng thời điểm di dời hiện chưa xác định chính xác. Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) - đơn vị được giao quản lý KCN này, hiện đang phải gánh chi phí quản lý hằng năm cho KCN trong thời gian chờ dự án di dời thực hiện.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Trong hoàn cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, đơn vị quản lý đang nóng lòng mong đợi việc di dời sớm được triển khai.

* Thu không đủ chi

Ông Chu Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Sonadezi cho biết, nhiều năm qua đơn vị phải gánh khoản bù lỗ cho việc bảo trì, vận hành KCN Biên Hòa 1 do mức thu phí dịch vụ ở đây khá thấp. Cụ thể, mức thu là 45 cent (khoảng 10 ngàn đồng)/m2 đất từ các doanh nghiệp, trong khi đó tại KCN Biên Hòa 2 phí dịch vụ thu từ các nhà đầu tư là 75 cent (khoảng 17.200 đồng)/m2.

Không chỉ mức thu thấp mà thực tế là nhiều doanh nghiệp ở đây còn “lờ” việc đóng khoản phí này. Ông Sơn chia sẻ: “Vì được giao quản lý nên Sonadezi làm công tác thu tiền thuê đất ở KCN Biên Hòa 1 là thu giúp cho ngân sách tỉnh, hoàn toàn không được đồng nào trong khoản thu này. Nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ Sonadezi được hưởng khoản tiền này là không đúng. Chúng tôi chỉ được sử dụng số tiền thu từ phí dịch vụ, nhưng mức phí cũng rất thấp”. Phí dịch vụ mà Sonadezi thu là để phục vụ các công việc mang tính công ích như: chăm sóc cây xanh, dọn cỏ, bảo vệ, chiếu sáng... Mỗi năm Sonadezi chi cho các hoạt động ở đây hơn 12 tỷ đồng và phải bù lỗ một nửa.

Năm 2019,  Sonadezi ước tính số tiền chi hoạt động bảo dưỡng cho KCN Biên Hòa 1 lên đến 16 tỷ đồng do phải đại tu đường số 5. Theo khảo sát của Sonadezi, nhiều tuyến đường trong KCN Biên Hòa 1 hiện đã xuống cấp nặng, cần phải duy tu trong thời gian tới, việc này tăng thêm áp lực về chi phí. Cũng theo ông Sơn, do khoản bù lỗ cho KCN Biên Hòa 1 vẫn kéo dài nên doanh nghiệp cũng mong sớm chuyển đổi xong KCN này.

* Cần sớm di dời

KCN Biên Hòa 1 có 82 doanh nghiệp đang thuê đất, trong đó có 63 doanh nghiệp có thời hạn thuê đất đến năm 2051, 5 doanh nghiệp đến năm 2021 sẽ hết hạn hợp đồng thuê đất và 14 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, đang cho đơn vị khác thuê lại đất làm kho bãi, nhà xưởng. Vướng mắc dẫn đến chưa thực hiện được việc di dời do chưa thống nhất được giá bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 đã kéo dài hơn 10 năm nhưng đến nay dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.  Theo ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Sonadezi việc này càng kéo dài thì các chi phí càng tăng lên rất nhiều.

KCN Biên Hòa 1 có diện tích 324 hécta, đây là KCN cũ có tuổi đời lâu nhất ở phía Nam, nay đã không còn phù hợp và cần chuyển đổi công năng. Theo đề án chuyển đổi, có 2 mục tiêu lớn là: khắc phục ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai vốn là nơi cung cấp nước cho hàng triệu người dân ở TP.Biên Hòa cùng các tỉnh, thành lân cận và phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, các cơ quan, ban, ngành cần tập trung cho công việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, bởi tiến độ như hiện nay là rất chậm.

Hiện nay, không chỉ lãnh đạo tỉnh sốt ruột mà ngay cả người dân thành phố cũng rất trông đợi chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Ông Nguyễn Văn Hưởng, người dân ở KP.2, phường An Bình cho hay, người dân ở đây mong KCN sớm di dời vì khói, bụi rất ô nhiễm. “KCN ở đây không còn phù hợp nữa, cần đưa các nhà máy đến nơi khác, còn khu vực này quy hoạch lại phát triển thành khu đô thị đẹp xứng tầm với một thành phố lớn” - ông Hưởng nói.

Với chiều dài gần 4km dọc theo quốc lộ 1 thì khu vực này được  xem là bộ mặt của TP.Biên Hòa, vì vậy việc chỉnh trang đô thị ở đây cũng rất cần thiết và cần sớm được thực hiện.

Vân Nam

Tin xem nhiều