Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần các giải pháp đồng bộ

09:02, 17/02/2019

Trong năm 2019, Đồng Nai tiếp tục thu hồi hàng ngàn hécta đất để thực hiện các dự án. Do đó, các sở, ngành, địa phương đã đưa ra một số giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng khiếu nại về đất đai.

Trong năm 2019, Đồng Nai tiếp tục thu hồi hàng ngàn hécta đất để thực hiện các dự án. Do đó, các sở, ngành, địa phương đã đưa ra một số giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng khiếu nại về đất đai.

Nhiều người dân khiếu nại vì dự án khu dân cư ở huyện Nhơn Trạch nhiều năm chưa triển khai
Nhiều người dân khiếu nại vì dự án khu dân cư ở huyện Nhơn Trạch nhiều năm chưa triển khai

Theo đánh giá, chính sách pháp luật về đất đai đang trong thời gian hoàn thiện, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện thực tế, việc bố trí tái định cư còn chậm. Do đó, dự báo tình trạng khiếu nại đông người trên lĩnh vực đất đai có thể tiếp tục phát sinh.

Sớm gỡ nút thắt trong bồi thường

Trong khiếu nại về đất đai có hơn 80% liên quan đến giá bồi thường. Như vậy, nút thắt cần gỡ nằm ở vấn đề này. Tại những khu vực “nóng” về đô thị hóa như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu… người dân không muốn thu hồi đất vì giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất trên thị trường.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Long Thành đang triển khai rất nhiều dự án nên phải thu hồi diện tích đất lớn. Dân đều đồng tình thực hiện dự án, nhưng yêu cầu giá bồi thường thỏa đáng. Vì thế mỗi dự án, huyện yêu cầu thẩm định giá đất thật kỹ, giá bồi thường tốt thì dân ít bức xúc, giao đất nhanh, dự án sớm có đất sạch thi công”.

Ngoài bồi thường giá đất thì nhiều người dân còn khiếu nại và chưa đồng tình với giá bồi thường cây trồng trên đất. Tuy mỗi loại cây trồng đều quy định mức giá bồi thường riêng nhưng vẫn còn thấp.

Cụ thể cây trồng lâu năm có quy định giá bồi thường như: tiêu từ 600-900 ngàn đồng/nọc, bơ trên 230 ngàn đồng/cây, bưởi từ 500 ngàn đến 1,4 triệu đồng/cây, măng cụt gần 850 ngàn đồng/cây, thanh long hơn 230 ngàn đồng/trụ...

Trong khi thực tế, cây bơ năm thứ 8 trở lên có thể cho thu nhập 5-7 triệu đồng/cây/năm, bưởi đang thời kỳ cho trái nhiều, thu trên 3 triệu đồng/cây/năm... Như vậy, có thể thấy mức bồi thường cho cây trồng lâu năm kể trên không bằng lợi nhuận người dân thu trong 1 năm, khó tránh khỏi người dân bức xúc. Muốn tránh được khiếu nại, giá bồi thường cây trồng không nên quá thấp, gây thiệt thòi cho dân.

Công bằng trong dự án

Trong nhiều dự án cũng có những trường hợp người dân đòi giá bồi thường bằng giá đất ngoài thị trường. Nhưng 2 năm qua, đất đai ở Đồng Nai lên cơn sốt “ảo” nên tính giá bồi thường bằng giá thị trường là điều rất khó thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu, thời gian qua nhiều nơi, trong đó có Trảng Bom, diễn ra cơn “sốt” đất khiến việc tính toán giá bồi thường gặp nhiều trở ngại, nhiều người dân đòi giá bồi thường bằng giá thị trường, nhưng giá thị trường đang bị “thổi” lên rất cao. Do đó, huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động để người dân hiểu, không đòi mức bồi thường quá cao. Một thực tế khác là cứ “nghe” thông tin nơi nào sẽ thực hiện dự án là giá đất lại bị đẩy lên. “Trong từng dự án phải làm cho công bằng, tránh cùng vị trí mà người áp giá cao, người áp giá thấp sẽ gây bức xúc cho dân. Trong tính giá đất bồi thường còn những bất cập là giá đất nông nghiệp ở khu vực thị trấn còn rất thấp khiến dân bị thiệt. Do đó để tránh khiếu nại, huyện đề xuất tăng giá bồi thường, hoặc xét cho các hộ dân mua thêm một vài nền tái định cư giá ưu đãi để bù lại và nhiều người dân đã đồng tình nên khiếu nại về đất đai giảm” - bà Châu cho hay. 

Không chỉ huyện Trảng Bom mà những địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự. Tại TP.Biên Hòa, nhiều người dân khiếu nại về việc thu hồi đất khu trung tâm thành phố nhưng lại bố trí tái định cư ở những phường, xã vùng ven. Đây là bài toán mà TP.Biên Hòa chưa có cách khắc phục vì quỹ đất trong nội ô thành phố dành riêng cho tái định cư còn rất ít.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều