Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng hóa các mô hình sản xuất

09:02, 17/02/2019

Là người gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp từ nhỏ nên ông Nguyễn Ngọc Thế Phong, chủ Cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống, cây cảnh Phương Nam, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại Tân Phú (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) luôn chịu khó tìm hiểu, phát triển nhiều mô hình về sản xuất nông nghiệp, đem về nguồn thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng giống cây trồng.

Là người gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp từ nhỏ nên ông Nguyễn Ngọc Thế Phong, chủ Cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống, cây cảnh Phương Nam, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại Tân Phú (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) luôn chịu khó tìm hiểu, phát triển nhiều mô hình về sản xuất nông nghiệp, đem về nguồn thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng giống cây trồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thế Phong chăm sóc vườn lan rừng của mình tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú
Ông Nguyễn Ngọc Thế Phong chăm sóc vườn lan rừng của mình tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú

* Từ điêu khắc mỹ nghệ đến sản xuất cây giống

Trước đây, ông Phong chủ yếu phát triển kinh tế dựa trên việc làm rẫy trên mảnh đất của gia đình. Đến khoảng năm 2010, ông bắt đầu mày mò tìm hiểu thêm nghề gỗ mỹ nghệ và điêu khắc đá. Ông Phong cho biết: “Phần vì đam mê điêu khắc gỗ - đá, phần vì muốn thử sức, phiêu lưu nên tôi cũng thử nghiệm chế tác các sản phẩm. Vào thời điểm đó, nghề này còn mới mẻ nên sản phẩm tìm được đầu ra khá ổn định. Một số sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh”.

Đến năm 2015, khi các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, điêu khắc đá bắt đầu “bão hòa”, gặp khó khăn về đầu ra cũng như đầu tư trang thiết bị, ông Phong chuyển hướng sang việc sản xuất, cung ứng các loại giống cây trồng. Trong đó, ông chủ động tìm hiểu loại giống bơ năng suất cao 034.

“Tôi nhận thấy giống bơ này có nhiều tiềm năng nên cũng bắt đầu học hỏi quy trình sản xuất cây giống. Trong lứa cây giống đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm nên trong quá trình ươm, ghép khoảng 3 ngàn cây bơ giống thì 2/3 số đó bị chết. Lúc đó, tôi phải làm lại từ đầu và nghiên cứu, tìm hiểu thêm” - ông Phong cho biết.

Dần dần, ông Phong cũng chủ động được nguồn cung ứng giống bơ 034 tại địa phương và một số khu vực lân cận. Từ đó, ông Phong đã xây dựng được vựa cây giống cung ứng nhiều giống cây ăn trái đặc sản có giá trị. Đồng thời, cung ứng, chăm sóc các loại cây cảnh, mai cảnh, lan rừng… Năm 2017, ông Phong cùng các thành viên đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại Tân Phú.

Theo ông Phong, ngoài nguồn lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, đến nay doanh thu từ các ngành nghề ông kinh doanh - sản xuất bắt đầu cho thu nhập khá ổn định, trung bình khoảng 700 triệu đồng/năm.

* Chú trọng các nguồn giống địa phương

Ông Phong chia sẻ thêm, hiện nay ngoài việc sản xuất cung ứng các loại cây giống có giá trị kinh tế cao, ông còn chú trọng phát triển thêm các nguồn cây giống có thế mạnh, mang bản sắc của địa phương. “Hiện tôi đang nhân giống nhiều loại lan rừng, trong đó có khoảng 1 ngàn cây lan tam bảo sắc có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Cát Tiên” - ông Phong cho hay.

Bên cạnh đó, ông Phong còn phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất tại Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại Tân Phú như: sản xuất chậu cây cảnh, các dịch vụ chăm sóc cây cảnh; kinh doanh vật tư nông nghiệp; thu gom rác thải, nạo vét công trình…

Theo ông Phong, hoạt động sản xuất - kinh doanh với nhiều mô hình nên đòi hỏi cần có định hướng phát triển rõ ràng, tập trung sản xuất các sản phẩm mà thị trường còn thiếu cũng như không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín, đảm bảo cung ứng các sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng thị hiếu của thị trường.

Hải Quân

Tin xem nhiều