Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức nào đang chờ đợi?

10:02, 11/02/2019

Từ ngày 14-1, Việt Nam đã cắt bỏ gần 66% các dòng thuế cho tất cả các nước thành viên CPTPP, theo lộ trình cắt bỏ dần đến năm thứ 11 là gần 98%. Ngành Chăn nuôi và chế biến thực phẩm trong nước được cho là sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất.

Từ ngày 14-1, Việt Nam đã cắt bỏ gần 66% các dòng thuế cho tất cả các nước thành viên CPTPP, theo lộ trình cắt bỏ dần đến năm thứ 11 là gần 98%. Ngành Chăn nuôi và chế biến thực phẩm trong nước được cho là sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất.

Năng suất đàn heo nái của Việt Nam chỉ bằng khoảng 30% so với nhiều nước trong CPTPP. Trong ảnh: Một trại nuôi heo ở huyện Thống Nhất. Ảnh: H.GIANG
Năng suất đàn heo nái của Việt Nam chỉ bằng khoảng 30% so với nhiều nước trong CPTPP. Trong ảnh: Một trại nuôi heo ở huyện Thống Nhất. Ảnh: H.GIANG

Xét trên tổng thể, CPTPP đem lại lợi ích nhiều hơn cho Việt Nam, nhưng có một số ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Để tồn tại và phát triển, những ngành bị ảnh hưởng phải chủ động vươn lên để không bị thua ngay trên sân nhà bởi sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP.

* Chăn nuôi lo giữ sân nhà

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, ngành Chăn nuôi trong nước sẽ chịu tác động tiêu cực nhất khi CPTPP có hiệu lực. Như vậy muốn đứng vững trên sân nhà và vươn ra “biển lớn” thì người chăn nuôi phải giảm được giá thành sản phẩm ngang bằng với các nước trong CPTPP. Muốn làm được điều này thì người chăn nuôi phải tăng năng suất. Đơn cử, ở Nhật Bản và một số nước thành viên CPTPP, năng suất sinh sản của heo nái từ 28-30 con/nái nên khi sản xuất 28-30 triệu con heo thịt chỉ cần khoảng 1 triệu con nái. Ở Việt Nam sản xuất 30 triệu con heo thịt cần đến 3 triệu con nái. Nếu Việt Nam hạ được một nửa số heo nái thì mỗi năm giảm được hơn 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, tương đương gần 10 ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, giá thành heo hơi của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khối gần 10 ngàn đồng/kg. Vì vậy muốn giữ được sân nhà và hướng đến xuất khẩu người chăn nuôi phải liên kết lại hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hỗ trợ nhau cải tiến con giống, nâng cao năng suất”.

Cũng theo ông Công, Chính phủ nên có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm nhập khẩu, vì hiện nay 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu nên thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành trong chăn nuôi, trong khi các nước chỉ khoảng 50%.

Các nước trong CPTPP bãi bỏ thuế, nhưng có hàng rào kỹ thuật rất chặt chẽ để bảo vệ hàng trong nước, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật đầy đủ và giảm bớt các khâu trung gian trong phân phối hàng hóa. Lộ trình giảm thuế với thịt heo, gà của Việt Nam với các thành viên trong CPTTP là 8-10 năm, đây là khoảng thời gian để ngành Chăn nuôi tái cơ cấu vươn lên.

Những mặt hàng cạnh tranh gay gắt

Ngoài chăn nuôi thì các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa cũng bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước trong khối CPTPP. Trong đó đa số là doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng lớn. Những mặt hàng sản xuất tiêu thụ nội địa sẽ bị ảnh hưởng ngay là: sản phẩm gỗ, giày dép, sản phẩm nhựa, phân bón, sản phẩm sữa... Vì đây là những mặt hàng đã xóa bỏ thuế suất.

Theo các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước thì hệ thống kiểm soát hàng hóa của Việt Nam còn kém so với các nước trong khối nên Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng để hạn chế tổn thương và bảo vệ hàng trong nước, tạo sự công bằng trong cạnh tranh.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.Hồ Chí Minh nhận định: “So với các nước trong CPTPP, ưu đãi về thuế của Việt Nam lộ trình dài hơn là một lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước. Muốn giữ được thị trường trong nước và mở rộng thị phần, doanh nghiệp buộc phải tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và giảm giá thành sản phẩm”.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều