Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách giải bài toán liên kết trong sản xuất

10:02, 22/02/2019

Đồng Nai đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hình thành những dự án cánh đồng lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đồng Nai đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hình thành những dự án cánh đồng lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Phát triển vùng chuyên canh trái cây rộng gần 100 hécta tại đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc). Ảnh: L.Quyên
Phát triển vùng chuyên canh trái cây rộng gần 100 hécta tại đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc). Ảnh: L.Quyên

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu này bằng cách tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút DN tham gia.

* Liên kết để tồn tại

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ ra yêu cầu của thị trường hiện nay: “Thời gian tới, ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng siết hàng rào kỹ thuật yêu cầu về chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản. Nếu không phát triển mạnh hợp tác xã, không xây dựng tốt các chuỗi liên kết thì đầu ra của nông sản sẽ là vấn đề rất khó khăn”.

Trước yêu cầu mới của thị trường, từ vài năm trước, Đồng Nai đã tích cực triển khai chương trình xây dựng dự án cánh đồng lớn theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng 33 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với tổng diện tích thực hiện gần 10 ngàn hécta với trên 7 ngàn hộ nông dân tham gia. Trong đó, có 19 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích trên 7 ngàn hécta với hơn 6 ngàn hộ dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được những vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) cho biết: “Hiện DN đang xuất khẩu rất tốt sản phẩm gạo và nhiều loại nông sản khác. Ngoài dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa, chuối già xuất khẩu, DN sẽ tiếp tục đầu tư thêm những dự án sản xuất nông sản đạt chuẩn an toàn cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.

* Để cánh đồng lớn vào thực tế

Tuy đã đạt những bước tiến đầu tiên, nhưng kết quả xây dựng cánh đồng lớn vẫn còn chậm và chưa xứng tầm với tiềm năng của tỉnh. Để tháo gỡ những khó khăn trên, cần những giải pháp đồng bộ từ việc đưa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cánh đồng lớn đi vào thực tế; xây dựng chuỗi liên kết bền vững bằng việc gắn với trách nhiệm của cả doanh nghiệp và nông dân; thành lập được những hợp tác xã thật sự phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân…

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã điều An Viễn (huyện Trảng Bom) chia sẻ, thời gian đầu triển khai dự án cánh đồng lớn ca cao trồng xen canh cây điều, nhiều nông dân khá e ngại. Có hộ đã đăng ký tham gia dự án nhưng khi triển khai lại rút lui hoặc có tâm lý chờ xem sao mới làm. Tuy nhiên, khi địa phương đầu tư hệ thống điện, cải tạo đường sá và DN tích cực vận động, hỗ trợ nông dân triển khai thì số hộ tham gia tăng nhanh so với giai đoạn đầu triển khai dự án. “Gỡ nút thắt về xây dựng niềm tin giữa DN và nông dân trong tham gia chuỗi liên kết, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, thuyết phục nông dân bằng sự hỗ trợ thiết thực. Ngoài ra, hợp đồng ký kết giữa DN và nông dân phải có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý chứ không chỉ mang tính hình thức như trước” - ông Giang nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cho rằng: “Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành được các chuỗi liên kết bền vững cho dự án cánh đồng lớn. Vì doanh nghiệp sản xuất không thể làm việc với từng nông dân riêng lẻ mà cần thông qua hợp tác xã để tập hợp nông dân. Việc xây dựng được những hợp tác xã mới, hoạt động hiệu quả góp phần rất lớn cho thành công để sản xuất lớn”.                

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều