Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng ngàn quy hoạch chuyên ngành: Có còn hiệu lực?

03:03, 21/03/2019

Tính đến thời điểm này, Luật Quy hoạch đã có hiệu lực gần 2,5 tháng. Theo quy định thì đa số quy hoạch chuyên ngành sẽ được bãi bỏ, số còn lại sẽ tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Tính đến thời điểm này, Luật Quy hoạch đã có hiệu lực gần 2,5 tháng. Theo quy định thì đa số quy hoạch chuyên ngành sẽ được bãi bỏ, số còn lại sẽ tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Song, hiện tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác vẫn đang phải đợi nghị định, thông tư hướng dẫn để thực hiện.

TP.Biên Hòa là nơi có nhiều quy hoạch dự án nhất tỉnh nên các doanh nghiệp mong sớm loại bỏ quy hoạch ngành để giảm thủ tục Trong ảnh: Một góc của TP.Biên Hòa.
TP.Biên Hòa là nơi có nhiều quy hoạch dự án nhất tỉnh nên các doanh nghiệp mong sớm loại bỏ quy hoạch ngành để giảm thủ tục Trong ảnh: Một góc của TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Giang

[links()]Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, cả nước có trên 9,5 ngàn quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt và vẫn đang có hiệu lực. Để xây dựng hàng ngàn quy hoạch này, ước tính ngân sách “tiêu tốn” hơn 8 ngàn tỷ đồng. Mới đây, Bộ Kế hoạch - đầu tư yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xem xét lại và đề xuất bỏ những quy hoạch ngành không phù hợp.

* Vẫn chờ hướng dẫn

Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát về quy hoạch sử dụng đất tại Đồng Nai vừa yêu cầu tỉnh phải xem xét lại công tác làm quy hoạch và có tầm nhìn xa. Nếu trong công tác làm quy hoạch có tầm nhìn xa, dự báo tốt quy hoạch được phê duyệt, quá trình triển khai sẽ hạn chế được khâu phải điều chỉnh.

Năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt triển khai 2.084 dự án trên các lĩnh vực, do đó doanh nghiệp, cá nhân đều mong nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch sớm ban hành để tỉnh áp dụng và thực hiện suôn sẻ hơn.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng khi Luật Quy hoạch đã thống nhất, sẽ không còn cảnh phải “chạy vạy” khắp nơi để xin cho đủ các quy hoạch chuyên ngành nhằm thực hiện dự án. Lâu nay, việc chờ đợi điều chỉnh thống nhất các quy hoạch chuyên ngành trong thực hiện dự án có khi kéo dài 2-3 năm liền mới xong. Hậu quả là doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội trong sản xuất kinh doanh, còn địa phương bị mất đi nguồn thu đóng góp vào phát triển chung của kinh tế.

Vấn đề được nhiều người dân quan tâm là những quy hoạch nào sẽ chính thức được loại bỏ trong hàng ngàn quy hoạch đang “hành” doanh nghiệp và người dân hiện nay?

Theo đề xuất của nhiều địa phương thì quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, quy hoạch xăng dầu, quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch mạng lưới giáo dục, quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất... nên sớm được bãi bỏ.

* Sẽ bỏ hàng ngàn quy hoạch chuyên ngành

Dự tính có trên 8 ngàn quy hoạch thuộc các cấp, các ngành và địa phương sẽ được loại bỏ.  Theo đó, ở cấp quốc gia giảm khoảng 229 quy hoạch xuống còn 41 quy hoạch, cấp vùng giảm 70 quy hoạch xuống còn 6 quy hoạch, cấp tỉnh giảm 3.245 quy hoạch xuống 63 quy hoạch và bỏ 708 quy hoạch tổng thể ở cấp huyện. Những quy hoạch còn lại sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho hay: “Có những dự án quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành không thống nhất, doanh nghiệp phải điều chỉnh và thời gian chờ đợi có khi hơn 2 năm mới làm xong. Vì vậy các doanh nghiệp rất mong loại bỏ nhiều quy hoạch ngành để tháo rào cản nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự án đi vào hoạt động sớm thì cả doanh nghiệp và Nhà nước đều có lợi”.

Từ cuối năm 2018, trong các cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, các địa phương trên cả nước đều đề xuất cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn để thi hành Luật Quy hoạch. Đồng thời, Chính phủ cần sớm phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng trong năm 2019 để các tỉnh, thành căn cứ vào đó lập quy hoạch chung cho cấp tỉnh. Trong quy hoạch chung cấp tỉnh sẽ lồng ghép tất cả các quy hoạch ngành còn giữ lại để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện dự án.  

Phân bố các dự án phê duyệt quy hoạch sử dụng đất năm 2019 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Phân bố các dự án phê duyệt quy hoạch sử dụng đất năm 2019 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

* Đồng Nai: đang tích hợp quy hoạch chung

Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, trong thời gian qua tỉnh đã tiến hành rà soát lại tất cả quy hoạch trên địa bàn tỉnh và đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư những quy hoạch giữ lại và những quy hoạch nên loại bỏ. Nhưng vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch nên tỉnh vẫn đang trong quá trình tổng hợp đợi có hướng dẫn sẽ áp dụng.

Tại Đồng Nai, khúc mắc lớn hiện nay là nhiều địa điểm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn “vênh” nhau khiến các doanh nghiệp, cá nhân khi làm dự án phải mất nhiều thời gian, công sức đi lại để xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Thời gian chờ đợi điều chỉnh quy hoạch có khi tới 2-3 năm. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 trường hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng không cùng một mục đích, tỉnh làm trước một bước là tiến hành điều chỉnh cho đồng nhất.

Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: “Nhơn Trạch là nơi triển khai rất nhiều dự án cấp quốc gia, tỉnh, huyện và quá trình thực hiện có nhiều quy hoạch không thống nhất mất rất nhiều thời gian điều chỉnh. Nếu Luật Quy hoạch được thực hiện, có các quy hoạch được tích hợp đầy đủ trong đó sẽ giúp dự án triển khai nhanh hơn”. Năm 2019, huyện Nhơn Trạch có 200 dự án trên các lĩnh vực đã được phê duyệt, đây là địa phương có số dự án lớn thứ 3 trên toàn tỉnh chỉ sau TP.Biên Hòa và huyện Định Quán.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, các địa phương hiện nay đều đã tổng hợp sẵn các quy hoạch đang có trên địa bàn chỉ đợi hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ tích hợp những quy hoạch được giữ lại vào quy hoạch chung của tỉnh.

Dù Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, song chưa có hướng dẫn thực hiện nên tại Đồng Nai, các dự án cấp mới hoặc đang trong quá trình làm hồ sơ vẫn sẽ tiến hành làm theo những quy định cũ. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn “phập phồng” không yên, vì ở thời điểm “giao thoa”, khi có hướng dẫn cụ thể cho Luật Quy hoạch, liệu hồ sơ các dự án có phải làm lại? Nếu tiếp tục thì việc loại bỏ, bổ sung trong hồ sơ có làm khó thêm doanh nghiệp, người dân hay không? Đến nay, vẫn chưa có đáp án chính thức cho vấn đề này nên nhiều doanh nghiệp, người dân đang triển khai dự án vẫn hy vọng thủ tục sẽ đơn giản hơn, tạo thông thoáng để phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Từ năm trước, Đồng Nai đã đề xuất Chính phủ phê duyệt quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng trước quy hoạch tỉnh cho giai đoạn 2021-2030. Như vậy, tỉnh sẽ bớt được khâu rà soát, bổ sung, chỉnh sửa ở nhiều dự án đang triển khai. Việc phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh phải làm xong trong năm 2020 để khi quy hoạch giai đoạn 2011-2020 hết hiệu lực, các dự án không phải ngừng để chờ phê duyệt quy hoạch giai đoạn mới”.

Cũng theo ông Vĩnh, khi nhiều quy hoạch ngành được gỡ bỏ, những quy hoạch khác được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh thì doanh nghiệp thực hiện các dự án sẽ giảm nhiều thủ tục và không còn cảnh chờ đợi 1-2 năm để điều chỉnh quy hoạch ngành.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều