Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất sạch: Xu thế sống còn hay quy trình tốn kém?

03:03, 28/03/2019

Đồng Nai rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ... nên những mô hình trên không ngừng được nhân rộng.

Đồng Nai rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ... nên những mô hình trên không ngừng được nhân rộng. Tuy nhiên, nếu chạy theo phong trào làm chứng nhận sạch sẽ gây lãng phí tiền bạc và công sức vì đây là quy trình dài hơi và tốn kém.

Chuyên gia nước ngoài hướng dẫn về mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành. Ảnh: TL
Chuyên gia nước ngoài hướng dẫn về mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành. Ảnh: TL

[links()]Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải an toàn. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là nông sản sạch vẫn chưa có đầu ra bền vững. Trong đó có nguyên nhân những chứng nhận trên chưa đủ tạo niềm tin nên vẫn có độ lệch giữa cung và cầu về nông sản sạch.

Chuẩn nhiều, vẫn thiếu bền vững

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai đang tập trung xây dựng các chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn. Cụ thể, toàn tỉnh có 79 trang trại chăn nuôi heo, bò, gà đạt chứng nhận VietGAP. Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) cũng đã xây dựng được 3 vùng GAHP (vùng quy trình thực hành chăn nuôi tốt) với 67 tổ hợp tác, 821 hộ tham gia. Tổng nguồn vốn được dự án hỗ trợ khoảng 126 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã hình thành được hàng chục mô hình cây công nghiệp, cây ăn trái, rau quả và nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Trước yêu cầu của thị trường về thực phẩm sạch và nhất là Nhà nước hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ, nông dân ngày càng quan tâm đầu tư sản xuất GAP. Dù sản xuất sạch dần trở thành phong trào thu hút cả doanh nghiệp (DN) và nông dân tham gia nhưng mới chỉ tăng về số lượng mà chưa đạt được sự bền vững.

Hiện nhiều loại trái cây nổi tiếng của Đồng Nai đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, như: bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng... nhưng chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường và hầu như chưa có nhãn hàng, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện.

VietGAP là chuẩn mực thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam với sự đầu tư ít tốn kém và dễ thực hiện nhất trong các quy trình sản xuất sạch hiện nay. Chương trình này đang thu hút nông dân tham gia vì được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận. Nhưng đầu tư làm và giữ chứng nhận này cũng không phải là chuyện đơn giản vì sau một năm, nông dân lại phải tái chứng nhận.

2 năm trước, nông dân nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) từng rất hào hứng vì được Nhà nước hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP nên có 36/50 hécta nuôi tôm được cấp chứng nhận VietGAP. Theo ông Ngô Tấn Tài, Tổ phó Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh Trà Cổ, để được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân phải tuân thủ hàng chục yêu cầu, từ quy trình sản xuất đến thu hoạch, bảo quản; khó nhất là phải ghi chép lại và lưu trữ hồ sơ về cả quá trình canh tác. “Hơn 2 năm kiên trì làm con tôm VietGAP, người nuôi vẫn chưa bán được với giá hàng sạch, thậm chí có lúc còn bị ép giá nên nhiều hộ không quan tâm đến việc tái chứng nhận VietGAP. Sản xuất sạch tốn công và chi phí hơn nên nếu đầu ra cho con tôm sạch vẫn như thời gian qua thì người nuôi tôm có lẽ sẽ bỏ làm VietGAP” - ông Tài nói.

Có tiêu chuẩn cao và tốn kém chi phí hơn là các chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng để làm chứng nhận GlobalGAP cho các sản phẩm rau, trái cây. Ngay từ những ngày đầu, trang trại đã thực hiện quy trình sản xuất theo chuẩn hữu cơ (organic). Hiện DN đã mở của hàng bán sản phẩm organic tại TP.Hồ Chí Minh với khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đặt vấn đề xuất khẩu rau quả organic của trang trại. Nhưng từ chứng nhận GloabalGAP nâng cấp lên chứng nhận hữu cơ, DN còn phải trải qua nhiều công đoạn đầu tư cũng như tốn thêm hàng trăm triệu đồng chi phí làm chứng nhận”.

Công ty cổ phần Vinamit (tỉnh Bình Dương) là DN đi tiên phong đầu tư trang trại sản xuất hữu cơ rộng hàng trăm hécta và xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ, canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém chứ không thể là một sớm một chiều nên sản phẩm organic chưa thể có giá rẻ và bán đại trà được. Đơn vị nào tuyên bố mình sản xuất hữu cơ mà luôn đảm bảo lúc nào cũng có hàng, muốn tăng bao nhiêu cũng đáp ứng thì nên xem lại. “Tôi mất 5 năm đầu tư mới có rau organic cung cấp ra thị trường qua hệ thống Saigon Co.op và thêm cả năm để mở rộng kênh tiêu thụ. Nhưng đây chỉ mới là những bước đầu tiên của DN trong lĩnh vực này nên cần cả một hành trình dài tiếp tục đổ công, đổ của để ngày càng đa dạng sản phẩm”.

* Thiếu minh bạch về thị trường

Nông sản sạch vẫn chưa được thị trường nhận diện và được trả giá xứng đáng đang là “nút thắt” lớn khiến sản xuất vẫn manh mún, thiếu sự liên kết. Và hậu của những chương trình GAP là nông dân không làm tái chứng nhận, thậm chí bỏ quy trình sản xuất an toàn để trở về cách làm cũ.

Ông Trần Quang Tính cho biết thêm, chứng nhận GlobalGAP hay hữu cơ chỉ là tấm giấy thông hành để DN tham gia vào phân khúc thị trường cao cấp nhưng điều kiện đủ để giữ chân được khách hàng phải bằng chữ tín về chất lượng. Thị trường của thực phẩm hữu cơ còn rất lớn nên chỉ DN khó thể đáp ứng được. Hiện Trang Trại Việt đang triển khai một số dự án liên kết với nông dân sản xuất ca cao, trái cây, rau sạch… DN sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất, làm chứng nhận sản phẩm sạch và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Để các dự án liên kết sản xuất sạch thành công, cần sự thay đổi về nhận thức từ nông dân đến người quản lý nhà nước và cả người tiêu dùng về sản xuất sạch. Nông dân không thể giữ quan niệm “dễ và nhanh” khi đầu tư sản xuất sạch và nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn sản xuất do DN đề ra vì chỉ cần một lần phun thuốc hóa học hay thuốc diệt cỏ là phá vỡ mọi nỗ lực làm sạch trước đó của bản thân và của cả chuỗi liên kết.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần có kiến thức về sản phẩm sạch để không bị ngộ nhận về thông tin, chất lượng sản phẩm. “Vai trò của nhà quản lý, Nhà nước là tạo ra môi trường lành mạnh khuyến khích sản xuất sạch phát triển, quan trọng nhất là phải có chế tài đủ mạnh để xử lý cái sai. Vì hiện nay, trên thị trường vẫn nhan nhản sản phẩm kém chất lượng đội lốt thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và sự mạo danh này đang dần ép chết người làm thực sự” - ông Tính chia sẻ.

* Trách nhiệm của người tiêu dùng

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ, với sản phẩm organic nói riêng và nông sản sạch nói chung, người mua nên quan tâm đến chất lượng thực sự bên trong chứ đừng quá chú trọng vào vẻ bề ngoài. Song, người tiêu dùng hiện vẫn đang “mua sản phẩm bằng mắt và bằng lỗ tai”. Với DN, thách thức lớn nhất vẫn là việc thay đổi nhận thức, thói quen này của người mua.

Vài năm gần đây, trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện hàng loạt các cửa hàng, siêu thị bán rau quả, trái cây GAP hoặc thực phẩm hữu cơ. Hoạt động kinh doanh thực phẩm sạch, organic càng sôi động hơn trên các trang mạng xã hội. Nhưng chính người tiêu dùng lại không quá tin tưởng vào các chứng nhận GAP, hữu cơ vì thị trường này vẫn “vàng thau lẫn lộn”.

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh) chỉ ra căn nguyên của sự thiếu lòng tin trên là hiện đa số nông dân, thậm chí ngay cả những người đang ứng dụng các chương trình sản xuất GAP vẫn sẵn sàng phun thuốc trừ sâu khi xuất hiện dịch bệnh vì muốn đảm bảo giữ được đồng lời. Chuyện rau nhà ăn không phun thuốc còn rau bán ra thị trường thì phun đủ các loại thuốc, thậm chí phun thuốc trước khi thu hoạch 1-2 ngày vẫn diễn ra. “Để khôi phục được lòng tin của người tiêu dùng, nông dân phải thay đổi hẳn về mặt nhận thức thì mới bỏ được thói quen lạm dụng phân thuốc đã ăn sâu hoặc chạy theo lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng phá vỡ quy trình sản xuất sạch” - TS. Nghĩa nói.

Trong đó, sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quyết định. Ông Nguyễn Lâm Viên nhận xét: “Thị trường thực phẩm organic phát triển nhanh thời gian qua là nhờ vào sự truyền thông rộng rãi về tác hại của thực phẩm bẩn và đã tạo ra sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng. Vì những sản phẩm có dư lượng hóa học vẫn tiêu thụ tốt thì người sản xuất sao phải thay đổi? Ở đây, người tiêu dùng phải thay đổi trước thì mới buộc nông dân thay đổi theo”.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều