Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại xuất hiện kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản hồ Trị An

09:04, 07/04/2019

Sau nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, tháo dỡ, gần đây trên hồ Trị An lại xuất hiện các kiểu đánh bắt như: đóng chà, đăng chắn..., làm tận diệt nhiều loài thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học.

Sau nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, tháo dỡ, gần đây trên hồ Trị An lại xuất hiện các kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản như: đóng chà, đăng chắn. Nếu hình thức đánh bắt này tiếp tục kéo dài, sẽ làm tận diệt nhiều loài thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học.

Đăng chắn xuất hiện ở khu vực eo suối Lá gần đồi Dưng trên hồ Trị An
Đăng chắn xuất hiện ở khu vực eo suối Lá gần đồi Dưng trên hồ Trị An

Khoảng 5 năm trước, hàng trăm ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An đã kêu cứu trước tình trạng đăng chắn, bửng bắt cá đặt trên hồ gây cản trở khiến mỗi khi mưa dông, lốc xuất hiện các thuyền, ghe đánh bắt thủy sản trên bờ hồ khó vào bờ để tránh. Đồng thời, nguồn thủy sản trên hồ giảm 40-60% so với khi chưa có đăng chắn, bửng bắt cá.

* Tiếp tục xuất hiện đăng chắn cỡ lớn

Đăng chắn là hình thức dùng lưới mắt nhỏ quây thành vùng rộng từ 10-100 hécta ven hồ để cá vào sinh sản, khi cá vào sẽ đánh bắt cả cá mẹ lẫn cá con. Đây là hình thức đánh bắt thủy sản trái phép nhiều năm qua ở khu vực hồ Trị An.

Hầu hết ngư dân đánh bắt trên hồ Trị An đều mong muốn tỉnh sớm chỉ đạo tháo dỡ tình trạng đăng chắn, đóng chà trên hồ không để lan rộng hơn nữa. Nếu không ngăn chặn sớm sẽ gây tận diệt nguồn thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng ngư dân.

Theo ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, năm 2013 tình trạng làm đăng chắn bắt đầu xuất hiện trên hồ Trị An, đến năm 2014, phát triển khá mạnh khiến nhiều ngư dân rất bức xúc, phản ảnh với chính quyền địa phương.

Sau đó qua nhiều đợt vận động, cưỡng chế, đến cuối năm 2015 mới dẹp hết được tất cả đăng chắn trên hồ và huyện giao lại cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện tình trạng đặt đăng chắn trên hồ, huyện sẽ phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để xử lý.

Sau một thời gian im ắng, gần 3 tháng nay lại xuất hiện đăng chắn quy mô lớn trên hồ Trị An. Từ cầu La Ngà (huyện Định Quán) chạy thuyền máy khoảng 40 phút đến khu vực eo suối Lá gần đồi Dưng trên hồ Trị An có thể thấy khu vực ven hồ hiện có đăng chắn rộng gần 100 hécta, bao quanh khu vực gần bờ. Loại lưới sử dụng bao quanh đăng chắn rất dày, cá con khi đã vào khó lọt ra được khiến nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ rất bức xúc.

Ông L.V.Đ, một ngư dân đánh bắt thủy sản ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) nói: “Đặt đăng chắn ở khu vực ven hồ Trị An rất nguy hiểm cho tính mạng ngư dân, vì vào mùa mưa khi xuất hiện dông lốc, mưa lớn, ghe của ngư dân dễ bị vướng lưới quây cao sát mặt hồ, không vào bờ được. Bên cạnh đó, đăng chắn dùng loại lưới mắt nhỏ sẽ bắt sạch cá lớn, cá nhỏ và hủy diệt dần các loại thủy sản trên hồ”.

Khảo sát thực tế khu vực đang cắm đăng chắn, chúng tôi phát hiện có một nhóm người đang canh giữ. Theo ông N.T., ngư dân xã  Phú Ngọc thì người dân đi đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An vô tình đến gần khu vực đăng chắn này sẽ có người ra đuổi.

Ông T.V.H., ngư dân sống tại xã La Ngà (huyện Định Quán) nói: “Hầu hết các loài cá có thói quen vào gần bờ để sinh sản nên khi đặt đăng chắn với loại lưới mắt nhỏ gần như màn tuyn sẽ tận diệt cả cá mẹ lẫn cá con mới sinh sản. Việc này các ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ tối kỵ vì như thế nguồn thủy sản trên hồ sẽ bị cạn kiệt”.

Đăng chắn ở khu vực gần đồi Dưng được thiết kế theo dạng cá đã vào là không ra được nên nhiều người dân lo lắng rằng không dẹp sớm thì phương tiện này sẽ góp phần hủy diệt thủy sản hồ Trị An. Đồng thời, sẽ tạo nên tiền lệ xấu cho những người khác tiếp tục đặt đăng chắn, có thể phát triển rầm rộ như năm 2014.

* Nên sớm cấm kiểu đánh bắt tận diệt

Gần đây, trên hồ Trị An còn xuất hiện hình thức đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt khác là đóng chà. Hiện có hàng trăm người đóng chà dày đặc trên hồ vừa đánh bắt kiểu tận diệt vừa gây nguy hiểm cho thuyền bè đi lại.

Đống chà xuất hiện rất nhiều trên hồ Trị An khiến ngư dân đánh bắt trên hồ rất bức xúc
Đống chà xuất hiện rất nhiều trên hồ Trị An khiến ngư dân đánh bắt trên hồ rất bức xúc

Đóng chà là loại đánh bắt thủy sản do một số người dân tự chế bằng cách dùng các cây tre đóng xuống hồ với khoảng cách 2-3m/cây và quây thành khu vực rộng khoảng 200-400m. Sau khi đóng chà họ sẽ cho mồi nhử các loại thủy sản vào, khoảng 10-15 ngày sẽ dùng lưới bao kín xung quanh đáy và đánh bắt.

Hồ Trị An có khoảng 130 loài cá, trong đó có 10 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo vệ. Hồ có diện tích rộng 32 ngàn hécta và là nơi mưu sinh của hơn 1 ngàn hộ ngư dân. Từ lâu tỉnh đã cấm các kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản trên hồ như: đăng chắn, bửng, xung điện, thuốc nổ, lưới mắt nhỏ...

Loại lưới dùng cho cách đánh bắt này có mắt lưới rất nhỏ, cá to cá nhỏ đã lọt vào thì không thể thoát ra. Thường thì người ta đóng chà bằng tre, sau một thời gian sẽ mục, đổ gãy trôi trên hồ gây nguy hiểm cho các thuyền chài đánh bắt thủy sản và trôi vào các bè nuôi cá làm hỏng lưới.

Liên quan đến trình trạng đóng chà đang phát sinh khá nhiều trên hồ Trị An, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho hay: “Đây là hình thức đánh bắt có thể gây tận diệt nguồn lợi thủy sản trên hồ Trị An nên đơn vị đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quy định cấm phương tiện khai thác này”.

Cũng theo ông Mùi, riêng tình trạng đặt đăng chắn mới phát sinh, khu bảo tồn chưa nắm được nhưng sẽ cho lực lượng kiểm lâm rà soát lại tất cả các khu vực, nếu phát hiện sẽ buộc tháo dỡ ngay, bởi đăng chắn là phương tiện tỉnh đã cấm từ rất nhiều năm trước.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Phùng Cẩm Hà cho biết, theo Luật Thủy sản vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 thì hình thức đóng chà bị cấm sử dụng vì đây là hình thức đánh bắt gây tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2019 mới có thông tư hướng dẫn thực hiện và chi cục đang dự tính trong tháng này sẽ triển khai cho người dân. Đầu tiên, sẽ tuyên truyền vận động người dân tự tháo dỡ, chuyển sang hình thức đánh bắt khác cho phù hợp. Sau đó sẽ đề nghị UBND tỉnh ban hành lộ trình cấm, nếu người dân không tự tháo dỡ sẽ cưỡng chế.

Khánh Minh

Tin xem nhiều