Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm vốn cho các dự án trọng điểm

03:04, 08/04/2019

Đồng Nai hiện có hơn 10 dự án, công trình trọng điểm cần phải đầu tư, chủ yếu là dự án thuộc lĩnh vực giao thông với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Đồng Nai hiện có hơn 10 dự án, công trình trọng điểm cần phải đầu tư, chủ yếu là dự án thuộc lĩnh vực giao thông với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh như hiện nay, tìm vốn đầu tư cho các dự án này thực sự là một bài toán khó. Tỉnh đã đưa ra nhiều phương án để huy động vốn, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc nên để thực hiện được đòi hỏi nhiều thời gian và chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Một đoạn hương lộ 2 thuộc xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) của chủ dự án đã đầu tư  Ảnh: V.NAM
Một đoạn hương lộ 2 thuộc xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) của chủ dự án đã đầu tư Ảnh: V.NAM

[links()]Phần lớn các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa. Trong đó, có những dự án mà vốn đầu tư lên đến vài ngàn tỷ đồng, do đó việc đầu tư không mấy dễ dàng.

* Nhiều dự án sốt ruột chờ

Nhiều công trình trọng điểm được xác định khi đầu tư sẽ ngay lập tức tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Đặc biệt là những dự án về hạ tầng giao thông.

Điều này có thể nhìn thấy rõ ở dự án hương lộ 2 (TP.Biên Hòa). Đây là tuyến đường nối từ quốc lộ 51 đến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 2km đầu tuyến (đoạn xã An Hòa - Long Hưng) và xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, phần còn lại gần 9km từ xã Long Hưng nối vào đường cao tốc do các chủ đầu từ khác tham gia đầu tư. Theo nhận xét của nhiều người, tuyến đường này nếu hình thành và đưa vào sử dụng sẽ “đánh thức” được sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ven sông Đồng Nai, ít nhất là ở khu vực mà dự án đi qua.

Tại buổi làm việc về tình tình hình kinh tế - xã hội đầu năm nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  Nguyễn Phú Cường cũng nhấn mạnh, việc triển khai nhanh các dự án, công trình trọng điểm ở TP.Biên Hòa sẽ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh tốt hơn. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cũng chỉ ra cụ thể một ví dụ điển hình là nếu sớm xây dựng tuyến hương lộ 2 sẽ kéo theo sự phát triển của cả khu vực ven sông Đồng Nai. Dự án không chỉ giúp phát triển đô thị cho dọc tuyến sông này mà còn rút ngắn khoảng cách giữa Biên Hòa với Nhơn Trạch.

Không chỉ hương lộ 2, các dự án trọng điểm khác cũng đang được người dân kỳ vọng không kém, chẳng hạn như tuyến đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp khi được đầu tư sẽ giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thông cho người dân ở các phường Trảng Dài, Tân Phong, Tân Hiệp. Hoặc một dự án rất được người dân mong chờ là dự án đường ven sông Cái - tuyến đường vừa mang ý nghĩa chỉnh trang đô thị lại vừa giải quyết vấn đề giao thông của thành phố. Hay trục đường trung tâm TP.Biên Hòa và cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái, nối trung tâm thành phố với cù lao Hiệp Hòa. Dự án này đã nhiều năm được người dân thành phố trông ngóng bởi là “bộ mặt” của TP.Biên Hòa.

“Một đô thị dù lớn hay nhỏ phải có trục đường trung tâm. Biên Hòa là đô thị loại I, là một thành phố lớn vậy mà đến nay vẫn không có trục đường trung tâm” - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương chia sẻ.

* Gọi vốn khó khăn

Các công trình trọng điểm cần đến số vốn khá lớn và đòi hỏi phải tìm nhiều cách huy động, thay vì trông chờ vào nguồn ngân sách có hạn. Đơn cử như dự án đường ven sông Cái có tổng chi phí (giải phóng mặt bằng cho dự án và chi phí xây dựng) lên đến gần 2 ngàn tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tốn hơn 1.550 tỷ đồng. Số vốn lớn quá mức, do đó không thể đầu tư bằng vốn ngân sách nên TP.Biên Hòa đã kêu gọi phương án đầu tư bằng hình thức BT đất (đổi đất lấy công trình). Quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư khi triển khai dự án là gần 53 hécta ở 14 khu. Dự án cũng đã có các nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng sau khi tính toán, nhà đầu tư lại thấy khó khăn nên rút lui.

Một đoạn hương lộ 2 thuộc xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) của chủ dự án đã đầu tư  Ảnh: V.Nam
Một đoạn hương lộ 2 thuộc xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) của chủ dự án đã đầu tư Ảnh: V.Nam

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa  Phạm Anh Dũng cho biết, hiện nay cũng có nhà đầu tư khác đến khảo sát và thành phố đang phối hợp với doanh nghiệp lập báo cáo đề xuất đầu tư. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho rằng dự án đường ven sông Cái có số vốn đầu tư lớn, do đó phải lựa chọn các chủ đầu tư thực sự có năng lực và tiềm lực kinh tế tốt mới có thể tham gia. Đây cũng chính là lý do không dễ kêu gọi nhà đầu tư. Hay dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến bến đò Trạm (phường Bửu Long) có vốn đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng, hiện cũng được đề xuất đầu tư theo hình thức BT.

Trong thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm có mức vốn đầu tư lớn cũng đã được tỉnh tính toán cho chủ trương đầu tư bằng hình thức BT đất cũng như kết hợp hàng loạt các hình thức dự án đầu tư khác như PPP (hợp tác công - tư), BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao). Trong đó hình thức BT bằng đất vẫn hấp dẫn nhà đầu tư hơn cả. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 Chính phủ đã cho tạm dừng đầu tư theo hình thức BT. Điều này càng tạo nên khó khăn cho việc kêu gọi nguồn vốn để đầu tư đối với các công trình trọng điểm. Hàng loạt dự án ở TP.Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu… vẫn đang phải tạm dừng, chờ chỉ đạo của Chính phủ về hình thức đầu tư BT.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm khác có số vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng cũng đang chờ vốn như: dự án đầu tư cầu Thống Nhất nối trung tâm TP.Biên Hòa với cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) có tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng;  tuyến đường Tân Hiệp - Trảng Dài có tổng vốn gần 920 tỷ đồng; dự án hương lộ 2 (đoạn xã An Hòa - Long Hưng gần 2km) gần 1.150 tỷ đồng; công trình xây dựng cầu Vàm Cái Sứt tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 400 tỷ đồng…

* Chuyển hướng đầu tư

Để giải quyết khó khăn về vốn, tỉnh đã phải thay đổi các phương án đầu tư và linh động trong từng dự án. Cuối năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái làm việc với UBND TP.Biên Hòa để “gỡ rối” cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu xem xét lại một số dự án thay đổi phương án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.

Tổng vốn cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh khoảng gần 10 ngàn tỷ đồng
Tổng vốn cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh khoảng gần 10 ngàn tỷ đồng

Đơn cử như dự án đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp, thay vì đầu tư theo hình thức BT như trước đây thì chuyển sang đầu tư công. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này dự kiến lấy từ nguồn đấu giá đất công (khu đất dự kiến dùng BT cho dự án). Tuy nhiên, theo quy định tiền đấu giá đất chỉ được đưa vào vốn đầu tư công cho các dự án đã đăng ký vốn trung hạn. Để “gỡ” vấn đề này, lãnh đạo tỉnh dự tính sẽ đề nghi HĐND tỉnh duyệt nguồn tiền đấu giá đất cho từng dự án cụ thể. Không chỉ dự án đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp chuyển hướng sang đầu tư công mà ngay cả dự án hương lộ 2 cũng sẽ được tính toán theo phương án này.

Việc không thể thực hiện đầu tư nhiều dự án trọng điểm theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng đã làm phần lớn các dự án hiện nay đều phải trông chờ vào nguồn vốn ngân sách. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho Đồng Nai được giữ lại nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cùng số thu từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. 

Tổng số vốn mà tỉnh đề nghị được giữ lại hơn 4 ngàn tỷ đồng, sẽ bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án cấp bách. Đây cũng là nguồn vốn được kỳ vọng có thể sử dụng ngay để có thể thực hiện những dự án trọng điểm cấp bách, ưu tiên. Theo lãnh đạo tỉnh, trước mắt một số dự án sẽ được tập trung ưu tiên để triển khai là: hương lộ 2; đường trung tâm TP.Biên Hòa, cầu Thống Nhất; đường ven sông Cái.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều