Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động "nhắm đến" thị trường khó tính

09:05, 03/05/2019

Nông dân lâu nay vẫn chậm thay đổi về tư duy sản xuất vì "đinh ninh" đã có thị trường rất lớn, rất dễ tính là Trung Quốc tiêu thụ trái cây, nông sản. Đã đến lúc nông dân phải chủ động thay đổi cả trong tư duy sản xuất và bán hàng để không bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập.

Nông dân lâu nay vẫn chậm thay đổi về tư duy sản xuất vì “đinh ninh” đã có thị trường rất lớn, rất dễ tính là Trung Quốc tiêu thụ trái cây, nông sản. Đã đến lúc nông dân phải chủ động thay đổi cả trong tư duy sản xuất và bán hàng để không bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập.

Trái cây Đồng Nai chiếm tỷ trọng lớn trong chợ đầu mối nông sản,  thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên
Trái cây Đồng Nai chiếm tỷ trọng lớn trong chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc nông sản, nông dân được hưởng lợi với  nhiều chương trình hỗ trợ.

* Lợi ích thuộc về nông dân

ThS.Trần Thị Phương Chi, người tiên phong trồng lúa sạch ở Đồng Nai với sản phẩm gạo sạch Tân Bình Lục (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ câu chuyện làm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo và bưởi sạch: “Nông dân có thể ngồi nhà lên mạng tìm hiểu mọi thông tin về việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho nông sản của mình. Với quy mô sản xuất hộ gia đình dưới 10 ngàn sản phẩm, chi phí chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/hồ sơ đăng ký; chi phí duy trì cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm. Nông dân càng chủ động thực hiện sớm việc làm nhãn hàng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thì càng sớm tạo được lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Nhờ đăng ký và được cấp mã số vùng trồng, trái xoài Suối Lớn mới đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Úc. Theo đó, việc đăng ký truy xuất nguồn gốc để xuất đi Trung Quốc không quá khó khăn, khi thương lái hay doanh nghiệp yêu cầu thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay”.

* Cần triển khai nhiều hỗ trợ

Đồng Nai đang triển khai thí điểm hàng loạt chương trình truy xuất nguồn gốc cho nông sản, thực phẩm. Tham gia những chương trình thí điểm này, nông dân được nhiều hỗ trợ như: sử dụng phần mềm miễn phí; được tham gia tập huấn; được hỗ trợ tiêu thụ nông sản sạch; nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản sạch…

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nói: “Hiện nông sản muốn vào thị trường tiêu thụ lớn là TP.Hồ Chí Minh phải được truy xuất nguồn gốc. Đồng Nai cũng đang triển khai truy xuất nông sản vào chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và sẽ tổ chức thí điểm truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ truyền thống. Thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc nông sản là cơ hội tăng sức cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu”.

Cùng quan điểm, ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất - đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây cho biết từ trước và sau khi chợ đầu mối đi vào hoạt động, hàng chục chương trình kết nối hỗ trợ hợp tác xã, nông dân thực hiện chứng nhận nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản…

Ông Tiến dẫn chứng bằng kết quả của các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương: “Hiện nay, nông sản Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-55% trên tổng sản lượng nông sản tại chợ đầu mối. Nhiều loại nông sản đang được đăng ký chứng nhận an toàn và truy xuất nguồn gốc. Đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản của tỉnh mà của cả khu vực với mục tiêu vươn lên tầm quốc tế, góp phần đưa nông sản nội địa tham gia sân chơi hội nhập”.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều