Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo cơ chế riêng cho "đầu tàu" đột phá

04:05, 07/05/2019

Sáng 6-5, lần đầu tiên Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam được tổ chức tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc...

Sáng 6-5, lần đầu tiên Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam được tổ chức tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sự tham dự của cả 3 Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ 8 tỉnh, thành nằm trong vùng KTTĐ phía Nam. Các ý kiến, tham luận tại hội nghị đều “bàn thẳng” vào những khó khăn, thách thức, “điểm nghẽn” của vùng trong phát triển và khơi mào các giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái kiến nghị có chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái kiến nghị có chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Văn Chính

[links()]“Không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục, để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng, trước hết là tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và năm 2020” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn yêu cầu ngay trong phần phát biểu mở đầu hội nghị.

* Thách thức “tụt hậu” chực chờ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, để Cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể khởi công vào năm 2020, Bộ Giao thông - vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác bồi thường, tái định cư cho người dân phải thực hiện đúng pháp luật, minh bạch như vậy người dân sẽ đồng tình và ủng hộ.

Không thể phủ nhận, với GRDP chiếm 45,42% cả nước; kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 41,5%; tổng thu ngân sách (năm 2018) chiếm 42,6%; 45% tổng vốn FDI cả nước… thì cho đến nay vùng KTTĐ phía Nam vẫn là vùng kinh tế dẫn đầu. Song đã xuất hiện nhiều thách thức, tồn tại cần xử lý.

Chính phủ đã liệt kê 9 điểm tồn tại trong phát triển của vùng KTTĐ phía Nam. Trong đó, nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng chậm lại, tốc độ tăng giai đoạn 2016-2018 (6,61%) chỉ ngang mức bình quân chung cả nước, khó đạt mục tiêu đã đề ra 8,5-9% vào năm 2020. Thứ 2 là dù giữ vị trí dẫn đầu về tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ cho cả nước, song tỷ trọng 2 ngành mũi nhọn này đang giảm dần theo từng năm. Trong công nghiệp chưa có thêm sản phẩm mới có hàm lượng chất xám cao, trong 35 sản phẩm chủ yếu của vùng thì có tới 28 sản phẩm truyền thống có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công cao như: sợi, dệt may, giày dép, thức ăn gia súc… Và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: vi mạch điện tử, ô tô, dược phẩm, phần mềm… thậm chí còn thua vùng KTTĐ miền Bắc.

Điểm đáng chú ý nữa là vùng KTTĐ phía Nam hiện vẫn đang nhập siêu 0,2 tỷ USD (năm 2018) trong khi cả nước đã xuất siêu từ lâu. Các chỉ số quan trọng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của các địa phương trong vùng thấp, tốc độ thu hút vốn FDI giảm dần, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

* Phải có thể chế đặc thù riêng

Dòng ý kiến nổi bật nhất của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương tham dự, từ Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, TS.Trần Du Lịch,
PGS-TS.Trần Đình Thiên… đều xoay quanh việc làm sao để có một thể chế, cơ chế đặc thù nhằm phát triển mới có thể “cứu vãn” được tình trạng tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại. 

TS.Trần Du Lịch cho rằng, chỉ riêng chuyện phân bổ ngân sách mà hiện vẫn còn phân bổ khép kín theo địa phương thì nói phát triển vùng là “nói chơi”. Do đó, phải có cơ chế đặc biệt cho các vùng KTTĐ, điều này là không thể bàn cãi. “Điều phối vùng chung chung, không chuyên trách như hiện nay là rất khó làm. Phải có bộ phận chuyên trách ngồi nghiên cứu thì ban lãnh đạo vùng mới… có cái mà họp. Vùng KTTĐ mà chỉ trông vào sự kiêm nhiệm của các địa phương thì không được. Phải có bộ phận chuyên trách riêng dày công nghiên cứu, tư vấn, góp ý liên tục” - ông Lịch đề xuất.

PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, để vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, bền vững thì không có cách nào khác hơn là cần có thể chế, chính sách riêng và được hiến định rõ ràng. Hiện nay, tất cả các cơ chế, chính sách vẫn tập trung ở từng tỉnh, thành trong vùng, chưa có chính sách cụ thể cho vùng. Vì vậy, muốn vùng không mất đi động lực tăng trưởng, Chính phủ nên đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết rõ ràng cho vùng.

Một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020  (Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư - Đồ họa: Hải Quân)
Một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư - Đồ họa: Hải Quân)

Cũng theo ông Thiên, trước mắt chưa phê duyệt được thể chế vùng thì nên phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Việc trao quyền cho các địa phương sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Đồng thời, ông Thiên nhấn mạnh đến một động lực nền tảng của vùng KTTĐ phía Nam, đó chính là lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh vào bậc nhất cả nước. TS Trần Đình Thiên cho rằng, có thể chế cho vùng thì trong đó cần đặt khối tư nhân ở vị thế cao hơn, vì về lâu dài, đây mới chính là nguồn lực chính đóng góp cho sự phát triển chung, khi huy động được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các công trình lớn thì có thể giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay có đủ năng lực làm được các sân bay, đường cao tốc, cảng… và thậm chí có thể rút ngắn thời gian hoàn thành đến 2/3.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, vùng đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của cả nước, nhưng vì thực hiện liên kết vùng còn yếu nên các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng của vùng. Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể và rõ ràng cho vùng để khơi thông những điểm “nghẽn” trong liên kết làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thì đề xuất Chính phủ phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng để hợp tác phát triển kinh tế, ưu tiên nguồn vốn ngân sách, ODA để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, phát triển logistics, xây dựng quy hoạch sử dụng đất toàn vùng.

* Giải pháp nào đột phá?

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vùng KTTĐ phía Nam cần phải được ưu tiên cho những dự án hạ tầng giao thông để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. “Đầu tàu” có mạnh thì mới kéo theo các vùng khác cùng phát triển. Trong quy hoạch các dự án giao thông vùng phải phân rõ những dự án ưu tiên triển khai để bố trí nguồn vốn thực hiện trước. Đồng thời, xây dựng các đô thị vệ tinh hiện đại để phát triển và giữ chân người dân, tránh tập trung về TP.Hồ Chí Minh gây quá tải.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra giải pháp, sẽ ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy kết nối trong vùng và các vùng lân cận. Trong vùng có nhiều dự án đang triển khai phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người dân.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Amata Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) bày tỏ, dòng vốn FDI đang chảy vào vùng KTTĐ phía Nam khá nhiều, song nếu tháo gỡ được những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải thì nguồn vốn vào khu vực này sẽ nhiều hơn. Vấn đề nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng như vùng này đang gặp phải là thủ tục còn rườm rà, thời gian giải quyết lâu khiến cơ hội của nhà đầu tư qua đi, một số doanh nghiệp đã rút vốn tìm quốc gia khác đầu tư. Trong đó, lâu nhất là giải phóng mặt bằng. Chính phủ nên phân quyền bớt cho địa phương ở một số lĩnh vực về đầu tư như vậy sẽ rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP (Bình Dương) đề xuất, Chính phủ nên có cơ chế phát huy nguồn lực của doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng KTTĐ phía Nam, trong đó hệ thống giao thông, logistics phải gắn với phát triển công nghiệp - đô thị. Có cơ chế rõ ràng sẽ dễ dàng thu hút các tập đoàn trong nước, quốc tế đầu tư các dự án nhanh chóng để phát huy hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ nên có đầu tư vào đường sắt qua đó giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa, tai nạn giao thông, đảm bảo môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng KTTĐ phía Nam đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, vì vậy trong thời gian tới Trung ương sẽ có những chính sách đặc thù cho vùng. Trong đó, tập trung tháo gỡ những vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển của vùng, tạo thông thoáng để phát huy liên kết vùng. Về phía các địa phương cũng phải chủ động ngồi lại với nhau cùng bàn bạc, triển khai liên kết cho phù hợp, tránh cạnh tranh lẫn nhau.

  Kim Ngân - Hương Giang

Tin xem nhiều