Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế tập thể: "Chuyển mình" để cạnh tranh và phát triển

03:05, 14/05/2019

Qua 15 năm phát triển (2003-2018), khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) của Đồng Nai có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Qua 15 năm phát triển (2003-2018), khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) của Đồng Nai có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan các gian trưng bày của các hợp tác xã Đồng Nai tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023 vào tháng 10-2018. Ảnh: Bình Nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan các gian trưng bày của các hợp tác xã Đồng Nai tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023 vào tháng 10-2018. Ảnh: Bình Nguyên

[links()]Với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Đồng Nai không ngại giải thể những HTX yếu kém, tạo môi trường cho mô hình HTX kiểu mới vươn lên.

* Lớn mạnh về quy mô

Toàn tỉnh hiện có 1.146 câu lạc bộ - tổ hợp tác với trên 29 ngàn thành viên tham gia. Các tổ hợp tác hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như: nông nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đúc gang, hàng mộc xuất khẩu… Hoạt động của các tổ hợp tác đã từng bước đi vào chiều sâu. Nhiều tổ hợp tác đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc của TP.Hồ Chí Minh, vào hệ thống các siêu thị lớn.

Khởi đầu, đa số các HTX của Đồng Nai hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn, không có tài sản thế chấp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Khi Đồng Nai bắt đầu thực hiện đề án phát triển kinh tế HTX vào năm 2012, cùng với việc các HTX thực hiện đổi mới tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX hiện hành, nhiều HTX đã kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô hoạt động, có vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng... đã tạo được sự phát triển vượt bậc cho kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng.

Đến năm 2018, toàn tỉnh có 389 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng hơn gấp 3 lần về số lượng HTX so với 15 năm trước. So với năm 2003, tổng vốn điều lệ đăng ký của HTX đạt trên 1,6 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 54 lần; tổng tài sản của HTX trên 5,6 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 77,6 lần. Hiện bình quân vốn điều lệ của 1 HTX là trên 4,2 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn ban đầu khoảng 360 triệu đồng với vài thành viên, hiện HTX Hiệp Lực (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ) đã nâng vốn điều lệ lên 18 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động trực tiếp và trên 500 lao động gia công tại các hộ gia đình. Năm 2017, tổng doanh thu của HTX đạt trên 88 tỷ đồng nhờ không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu. Bà Lương Thị Thúy, Giám đốc HTX Hiệp Lực cho biết: “Sau khi tổ chức lại theo Luật HTX hiện hành, chất lượng hoạt động của HTX từng bước được nâng lên. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng từ 20-30%/năm. Người lao động không chỉ được quan tâm về cải thiện tiền lương, tiền thưởng mà đời sống tinh thần cũng được chăm lo chu đáo”.

* Đa dạng về lĩnh vực

Năm 2017, khu vực kinh tế tập thể chiếm hơn 1.400 tỷ đồng/279.646,1 tỷ đồng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (đạt tỷ lệ 0,5%), cao gấp gần 13 lần so với thời điểm năm 2003.

Kinh tế tập thể sau 15 năm phát triển không chỉ gói gọn vào vài ngành nghề thuộc nông nghiệp nữa mà đã trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực: thương mại, vận tải, vệ sinh môi trường, xây dựng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tài chính - tín dụng, giáo dục…

Đặc biệt, nhiều HTX đã phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 70 HTX đầu tư vào các dịch vụ du lịch sinh thái vườn, cấp nước sinh hoạt, quản lý và khai thác chợ, trong đó có 32 HTX đang quản lý, khai thác và đầu tư 33 chợ trên địa bàn tỉnh. Nhiều chợ do HTX quản lý đã được đầu tư cải tạo và làm mới lại khu vực bán hàng tươi sống và hệ thống thoát nước, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại; góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

Chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú) được quy hoạch thành chợ hạng 1, là chợ đầu mối luân chuyển hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông... Để làm tốt công tác quản lý, khai thác chợ, HTX thương mại dịch vụ Phương Lâm đã tổ chức lại bộ máy điều hành như một doanh nghiệp năng động. Ông Nguyễn Danh Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ Phương Lâm cho biết: “Chợ có quy mô như hiện nay là do HTX không ngừng đa dạng các dịch vụ; vận động tiểu thương bỏ kinh phí để cải tạo chợ; cải tạo, nâng cấp đường dẫn vào chợ. Chợ Phương Lâm được công nhận là chợ văn hóa; HTX là doanh nghiệp văn hóa vì thực phẩm, hàng hóa mua bán trong chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được chế biến, trưng bày đúng quy định; thực hiện tốt việc niêm yết giá; không bán hàng gian, hàng giả”.

 

Nông sản của các hợp tác xã, tổ hợp tác của các địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo xúc tiến thương mại tại TP.Biên Hòa vào cuối năm 2018. Ảnh: Bình Nguyên
Nông sản của các hợp tác xã, tổ hợp tác của các địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo xúc tiến thương mại tại TP.Biên Hòa vào cuối năm 2018. Ảnh: Bình Nguyên

Ngay cả các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp từng rất yếu kém cũng không ngừng thay đổi về lượng và chất. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên như: dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; thu mua nông sản; mua bán cây, con giống; quản lý công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nước sạch nông thôn; thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt; trồng rừng... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

* Đi vào chiều sâu

Nói về yêu cầu phát triển HTX trong giai đoạn mới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Cần tập trung ưu tiên phát triển HTX vì đây là mô hình kinh tế tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nhưng không được chạy theo phong trào, phải lấy hiệu quả làm gốc. Trong đó, hỗ trợ các HTX nông nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực; phấn đấu có những HTX có quy mô cả ngàn hécta canh tác; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu bằng uy tín chất lượng để tham gia vào thị trường xuất khẩu”.

Từ sự quan tâm hỗ trợ về mặt chính sách trong phát triển kinh tế tập thể, nhiều HTX không ngừng được nâng cao cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Trong tổng số 19 dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt có 12 dự án do các HTX làm chủ dự án như: HTX nông nghiệp dịch vụ An Viễn (cây điều), HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (cây bắp, lúa gạo), HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (cây sầu riêng)...

 Nhiều HTX đã thực sự hoạt động như một doanh nghiệp năng động, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường; trở thành đơn vị cung cấp nông sản vào các hệ thống siêu thị lớn hoặc trực tiếp xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Thành lập vào năm 2008, HTX thương mại - dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) bắt đầu trong lĩnh vực dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, sản xuất cung cấp nước sạch, kinh doanh khai thác chợ… Năm 2017, HTX đã đầu tư 16 tỷ đồng làm dự án trồng chuối già cấy mô Nam Mỹ với diện tích trên 100 hécta; xây dựng được quy trình khép kín từ trồng chuối sạch đến phân loại, sơ chế, bảo quản, đóng gói... chuối xuất khẩu. Nhờ đó, đơn vị đã trực tiếp ký được hợp đồng xuất khẩu chuối vào thị trường khó tính Hàn Quốc.

Biểu đồ thể hiện số lượng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và số lượng thành viên tham gia các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh năm 2018 và so sánh về tổng số vốn đăng ký điều lệ, tổng số vốn hoạt động, tổng tài sản của các hợp tác xã của tỉnh trong giai đoạn 2003-2018 (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Biểu đồ thể hiện số lượng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và số lượng thành viên tham gia các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh năm 2018 và so sánh về tổng số vốn đăng ký điều lệ, tổng số vốn hoạt động, tổng tài sản của các hợp tác xã của tỉnh trong giai đoạn 2003-2018 (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Quyết Tiến chia sẻ: “Khởi đầu, HTX chọn khai thác mảng dịch vụ nhưng chúng tôi luôn xác định sản xuất nông nghiệp mới là căn cơ để HTX vững mạnh và thực sự tạo cơ hội cho nông dân sản xuất tại địa phương. Chúng tôi xuất khẩu rất tốt ngay vụ thu hoạch đầu tiên vì trước khi sản xuất, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm khách hàng, đưa họ về tận cánh đồng, biết rõ yêu cầu của khách hàng từ tiêu chuẩn về chất lượng, hình thức sản phẩm cho đến khâu thu hoạch, đóng gói...”.  Hiện HTX đang mở rộng đầu tư cánh đồng lớn bưởi VietGAP cũng với mục tiêu đưa trái bưởi Đồng Nai ra thị trường thế giới.

HTX hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cũng là một trong những điểm sáng trong xây dựng thương hiệu nông sản sạch khi xuất khẩu thành công sản phẩm hồ tiêu vào thị trường châu Âu. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX hồ tiêu Lâm San chỉ ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu bằng uy tín chất lượng khi mặt hàng này đang lâm vào cơn khủng hoảng thừa: “Hiện thị trường đang gặp khủng hoảng thừa, nhưng HTX Lâm San vẫn bao tiêu hồ tiêu sạch của nông dân với mức giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường nhờ xuất khẩu được vào thị trường khó tính. HTX đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ để tiếp tục mở rộng cơ hội xuất khẩu hồ tiêu, góp phần xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Hiện nay, các HTX tập trung hoạt động trong 9 lĩnh vực ngành nghề như: tín dụng, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp… Doanh thu bình quân của một HTX trên 11,6 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt gần 0,9 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên và lao động HTX năm 2018 đạt trên 72 triệu đồng/người/năm. Các HTX đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 175 ngàn lao động thường xuyên và thời vụ, chủ yếu là lao động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều