Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản

03:05, 04/05/2019

Theo Tổng cục Hải quan, quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2018 do thị trường này bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2018 do thị trường này bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn còn “du di”, đơn giản hóa yêu cầu về tem, nhãn nên việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này vẫn thuận lợi.

Hiện trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên
Hiện trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

[links()]Nhưng từ ngày 1-5-2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam; làm chặt việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vườn trồng, cải tiến chất lượng, bao bì... nếu không đáp ứng thì sẽ không vào được thị trường này.

* Sẽ không còn “du di”

Theo TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, chi phí để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản khá phù hợp với điều kiện của nông dân, doanh nghiệp. Thực chất chi phí này do người tiêu dùng chi trả vì được tính vào giá thành nông sản. Các phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản khá đơn giản, tiện lợi trong ứng dụng.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc. Nội dung nêu rõ từ ngày 1-1-2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 13-3, gần 4 ngàn xe dưa hấu Việt Nam vẫn thông quan thuận lợi, không bị ách tắc do phía Trung Quốc còn đơn giản hóa yêu cầu về tem nhãn, bao bì. Từ đầu năm đến nay, khi Trung Quốc thực hiện truy xuất và kiểm soát nông sản nhập khẩu, nông sản Việt Nam đã có một số vi phạm như: làm giả chứng nhận, mở đơn hàng, tờ khai giả; vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản.

Riêng về việc vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, trong năm 2018, TP.Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) nhập khẩu trên 1,5 triệu tấn trái cây Việt Nam, đã phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn; trong gần 1,2 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, phát hiện 3 lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Phía Trung Quốc còn phát hiện tình trạng hàng hóa nước thứ 3 mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện ớt nhập khẩu từ Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ (do có kích thước, đặc điểm khác với ớt Việt Nam), trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn xuất khẩu ớt vào Trung Quốc.

Công văn của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng nhấn mạnh có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Thứ nhất là dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Thứ hai là doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

Trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc hiện đều phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc hiện đều phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Thứ ba là từ ngày 1-5-2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít: yêu cầu dùng giấy dai kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối: yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).

* Nông dân vẫn thờ ơ

Hiện Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch và các quy định về tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam…Trái cây, nông sản không đáp ứng yêu cầu thì không còn cửa vào thị trường từng rất dễ tính này.

Nhưng không ít nông dân còn khá mù mờ về những quy định, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà vẫn ngộ nhận thương lái mua hàng không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ vì Trung Quốc vốn “dễ tính”, sản phẩm nào cũng chấp nhận. 

Biểu đồ thể hiện tổng diện tích và sản lượng trên toàn tỉnh tính đến quý I-2019 của một số loại trái cây chủ lực của Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, chuối, chôm chôm, xoài...  (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện tổng diện tích và sản lượng trên toàn tỉnh tính đến quý I-2019 của một số loại trái cây chủ lực của Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, chuối, chôm chôm, xoài... (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Ngay cả những nông dân, tổ hợp tác đã tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu vẫn có tâm lý chờ hỗ trợ mới triển khai chương trình này. Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) nhận xét, từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu thanh long giảm 20-30% so cùng kỳ năm ngoái; thanh long cũng không còn giá sốt vào những đợt cao điểm xuất khẩu như mọi năm. “Chúng tôi cũng nghe nói về việc Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc trái cây nhưng thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu chưa yêu cầu nên hiện chưa có nông dân nào thực hiện đăng ký truy xuất trái cây. Chúng tôi cũng mong được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện truy xuất trái cây” - ông Ngọc nói.

* Chậm chân là ngoài cuộc

Với trái cây Việt Nam, Hải quan Trung Quốc chỉ đồng ý làm thủ tục nhập khẩu đối với 8 loại đã được phép nhập khẩu chính thức gồm: xoài, nhãn, chuối, vải thiều, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long. Các mặt hàng khác như: dứa, khoai lang, sầu riêng... đều không thể xuất khẩu chính ngạch.

Ông Phạm Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Thái Dương (huyện Định Quán) nhận xét: “Đã qua thời làm ra nông sản nào cũng bán được và nông dân chỉ quan tâm tăng năng suất để thu lợi nhuận tốt. Nông dân phải chủ động làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo về chất lượng sản phẩm do mình làm ra nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Họ phải hiểu rõ về nhu cầu, yêu cầu của thị trường mình muốn bán hàng để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.

Cùng quan điểm, TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nông dân phải chủ động tham gia tìm hiểu và thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu từ năm ngoái và họ áp dụng tiêu chuẩn này cho tất cả các nông sản nhập khẩu chứ không phải áp đặt riêng với hàng hóa của Việt Nam. Đây là yêu cầu của người mua và nông dân muốn bán được hàng thì phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều