Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết sản xuất để phát triển bền vững

10:06, 19/06/2019

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Định Quán luôn xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá là sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ để phát triển bền vững.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Định Quán luôn xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá là sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ để phát triển bền vững.

Vườn sầu riêng cho thu nhập cao tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán
Vườn sầu riêng cho thu nhập cao tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán

Theo đánh giá của Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, Định Quán đã có nhiều mô hình đi vào chiều sâu và tính bền vững như: mô hình chuyên canh cây ăn trái cho thu nhập cao; mô hình về nhà máy xử lý chất thải rắn quy mô lớn; mô hình xã hội hóa thể thao, văn hóa ở cấp xã, cấp ấp; thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội...

* Những nông dân “mới”

Bà Cao Thị Ten (ngụ tại ấp 2, xã Phú Ngọc) là nông dân tiên phong trong việc nuôi gà thảo dược. Đầu tư nuôi dòng đặc sản này do đây là hướng sản xuất sạch vì sức khỏe con người, bà chủ trang trại này đã đầu tư chuồng trại nuôi theo quy mô công nghiệp, đầu tư máy móc tự chế biến thức ăn; ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi... Ngay từ năm 2015, bà đã làm chứng nhận VietGAP cho sản phẩm gà thảo dược; tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. “Tôi cũng đã đầu tư bao bì, đăng ký nhãn hàng để trực tiếp cung cấp hàng vào siêu thị. Ngoài ra, tôi cũng đang tập trung mở rộng các kênh bán lẻ cung cấp vào những nhà hàng, quán ăn và cửa hàng thực phẩm sạch tại những thành phố lớn” - bà Ten khoe.

Sau nhiều năm kiên trì sản xuất theo chuẩn xuất khẩu, trái cây sạch trong trang trại rộng gần 30 hécta của bà Nguyễn Thị Kim Mai tại xã Phú Ngọc đã có kênh tiêu thụ khá ổn định là hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch tại các thành phố lớn trên cả nước.

Bà Mai đang triển khai chương trình liên kết với nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu trái xoài cát Hòa Lộc cho thị trường xuất khẩu. Bà Mai sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng xoài theo hướng sinh học, nhất là kỹ thuật bao trái và xử lý cho trái nghịch vụ đến những nông dân tham gia chuỗi liên kết. Hiện có doanh nghiệp đang muốn hợp tác bao tiêu trái xoài cát Hòa Lộc của trang trại để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Bà cũng từng tiếp một số doanh nghiệp muốn bao tiêu loại trái cây đặc sản này xuất đi Nhật Bản.

Ông Nguyễn Quý Tuân, Giám đốc Hợp tác xã ca cao - điều Định Quán so sánh, khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có hơn 10 hécta ca cao trồng xen điều. Nhưng khi hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp thực hiện dự án cánh đồng lớn cây ca cao; sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, nông dân rất tích cực tham gia. Hiện hợp tác xã đã có 37 thành viên với diện tích ca cao xen điều đạt gần 100 hécta đều đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế). “Nông dân tin tưởng vì tham gia chương trình được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là được tập huấn, hướng dẫn tận vườn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Nhờ đó, năng suất vườn ca cao năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận cũng tăng theo” - ông Tuân nói.

Hiện huyện Định Quán đã xây dựng được 14 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các xã NTM đều đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất.

* “Nâng chất đời sống” nông dân

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, Định Quán không chỉ đạt các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người và giá trị sản xuất bình quân khi về đích huyện NTM năm 2018, mà còn là cơ sở để huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch trên hécta trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 154 triệu đồng/hécta/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Mô hình trồng xoài đạt chuẩn xuất khẩu tại trang trại của bà Nguyễn Thị Kim Mai tại xã Phú Ngọc
Mô hình trồng xoài đạt chuẩn xuất khẩu tại trang trại của bà Nguyễn Thị Kim Mai tại xã Phú Ngọc

Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Ngoài những thành quả đạt được trong đầu tư cơ sở hạ tầng để mạng lưới đường, điện về tận các ngõ xóm; vào tận các cánh đồng sản xuất thì nỗ lực rất lớn của địa phương còn trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”.

Trong xây dựng NTM, địa phương không chỉ tập trung vào tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân mà có sự đầu tư đồng bộ về giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội... với sự đóng góp rất lớn của chính người nông dân. Qua hơn 7 năm thực hiện, chương trình đã huy động được gần 21 ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM; trong đó, vốn của nông dân, doanh nghiệp chiếm gần 82%. Riêng người dân đóng góp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 1.387 tỷ đồng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều