Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước đột phá ấn tượng

10:06, 19/06/2019

Tân Phú là huyện vùng núi thuần nông khó khăn nhất của tỉnh Đồng Nai với 17 xã và 1 thị trấn; trong đó có nhiều xã đặc biệt khó khăn. Địa phương có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, thu nhập thấp nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) là bài toán khó.

Tân Phú là huyện vùng núi thuần nông khó khăn nhất của tỉnh Đồng Nai với 17 xã và 1 thị trấn; trong đó có nhiều xã đặc biệt khó khăn. Địa phương có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, thu nhập thấp nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) là bài toán khó.

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho thu nhập cao. Trong ảnh: Thu hoạch tôm càng xanh tại xã Phú Xuân, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình nuôi tôm càng xanh cho thu nhập cao. Trong ảnh: Thu hoạch tôm càng xanh tại xã Phú Xuân, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá, do điều kiện đặc biệt khó khăn nên ban đầu Tân Phú đặt mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, để Đồng Nai về đích sớm trong mục tiêu 100% xã, huyện đạt chuẩn NTM, cả chính quyền và nhân dân Tân Phú đã nỗ lực phấn đấu để được công nhận huyện NTM vào năm 2018.

* Đi lên từ sản xuất

Sau ngày đất nước thống nhất, xã Phú Điền là vùng đất với toàn đầm lầy nên nông dân chỉ trồng được 1 vụ lúa. Sản xuất thủ công nên nông dân nghèo khó vì thu hoạch thấp còn chịu nhiều rủi ro dịch bệnh, thiên tai, thú rừng phá hoại. Nhiều gia đình đến vùng kinh tế mới này bỏ về TP.Hồ Chí Minh hoặc đi nơi khác tìm cơ hội làm ăn mới.

Trong xây dựng NTM, huyện nghèo Tân Phú đã có bước đột phá ấn tượng trong tăng thu nhập cho nông dân. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện ở mức rất thấp là 14,5 triệu đồng/người/năm. Nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng lên gấp 3,5 lần, đạt trên 50,8 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, Tân Phú có gần 8,6 ngàn hộ nghèo, chiếm gần 23% dân số nhưng tỷ lệ này chỉ còn 0,12% vào năm 2018.

Ngày nay, xã Phú Điền đã hoàn toàn đổi thay, được đầu tư các tuyến đường nhựa, bê tông về tận các ngõ xóm, ra tận các cánh đồng; hệ thống thủy lợi, đường kênh mương được đầu tư đáp ứng nhu cầu sản xuất; lưới điện trung, hạ thế về tận khu dân cư, phủ khắp các vùng sản xuất... Những cánh đồng 1 vụ lúa nay tăng lên 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu hoặc thành ruộng sen, ao cá; nơi đất cao thì trồng hoa màu hoặc cây ăn trái…

Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận (xã Phú Điền) chia sẻ: “Năm 2014, tôi đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã Đồng Thuận để liên kết nông dân sản xuất lớn. Nông dân cũng chuyển hướng sang sản xuất an toàn, không phân, thuốc hóa học. Sản phẩm gạo sạch được doanh nghiệp bao tiêu không chỉ vào các hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn trong nước mà còn xuất khẩu tốt đi nhiều nước với giá cao”.

Xã Trà Cổ cũng là vùng đất cát kém màu mỡ, trước đây người dân trồng lúa, trồng hoa màu cho thu nhập thấp nên ở đây đa số là hộ nghèo. Cùng với phong trào chuyển đổi sản xuất với mô hình nuôi tôm càng xanh, nông dân Trà Cổ mới dần đạt thoát nghèo, có hộ vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có khoảng 50 hécta nuôi tôm càng xanh, địa phương cũng đã thành lập được hợp tác xã nuôi tôm VietGAP với quy mô hơn 30 hécta.

* Hình thành vùng chuyên canh

Với quan điểm phát triển sản xuất là khâu đột phá trong xây dựng NTM, trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2018 của Tân Phú đạt 2.968 tỷ đồng, tăng 132,6% so với năm 2013,  mức tăng trung bình là 5,8%/năm.

Huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây chủ lực có giá trị cao như: tiêu, sầu riêng, cây có múi... Cụ thể, đến nay, toàn huyện phát triển được gần 1,5 ngàn hécta bưởi, 770 hécta sầu riêng... Trong đó, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao tiếp tục được nhân rộng như: trồng và khai thác dó bầu cho thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/hécta/năm; trồng sầu riêng đạt thu nhập bình quân 950 triệu đồng/hécta/năm...

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho thu nhập cao
Mô hình nuôi tôm càng xanh cho thu nhập cao

Do đó, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất không ngừng tăng cao và đạt trên 139 triệu đồng/hécta, cao hơn rất nhiều so với con số gần 68 triệu đồng/hécta vào năm 2011.

* Nông dân là mục tiêu lớn

Ông Võ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, địa phương luôn xác định nâng cao đời sống người dân là khâu đột phá. Theo đó, huyện tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, gắn phát triển nông nghiệp với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nhờ đó, địa phương đã huy động tốt sức dân trong xây dựng NTM. Cụ thể, trên 14 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng NTM thì vốn xã hội hóa chiếm trên 85%. Các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội... được đầu tư đồng bộ. Địa phương cũng rất chú trọng giữ những bản sắc độc đáo riêng về cảnh quan nông thôn, sự đa dạng về văn hóa bản địa...” - ông Dũng khẳng định.

Theo UBND huyện Tân Phú, toàn huyện đã đầu tư được 22 công trình thủy lợi với hệ thống kênh mương có tổng chiều dài trên 156km,  phục vụ tưới tiêu cho trên 13 ngàn hécta đất sản xuất. 100% đường giao thông nông thôn đạt chuẩn theo quy định; 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. 17/17 xã đều có bác sĩ khám chữa bệnh; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện năm 2018 đạt 85,6%. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là vùng sâu, vùng xa. 

Bình Nguyên

Tin xem nhiều