Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nhùng nhằng" giao khoán đất rừng

09:06, 17/06/2019

Trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 1,6 ngàn hộ đang sử dụng đất rừng nhưng không chịu ký hợp đồng giao khoán với chủ rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP với tổng diện tích lên đến gần 2.485 hécta...

Trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 1,6 ngàn hộ đang sử dụng đất rừng nhưng không chịu ký hợp đồng giao khoán với chủ rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP với tổng diện tích lên đến gần 2.485 hécta. Nguyên nhân khiến họ không tái ký hợp đồng là vì lo khi hết hạn sẽ bị thu hồi lại đất, đồng thời “ôm ấp” hy vọng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Ông Trần Xuân Lục, ấp 7, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) trong khu rừng phòng hộ được nhận khoán
Ông Trần Xuân Lục, ấp 7, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) trong khu rừng phòng hộ được nhận khoán

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, những hộ dân chưa thực hiện khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 168 tập trung ở các nơi: Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

* “Né” ký hợp đồng

Theo quy định của Chính phủ, những hộ dân nhận giao khoán đất rừng phải ký lại hợp đồng theo Nghị định 168. Tuy nhiên, trong nghị định này, việc giao khoán đất rừng có những thay đổi làm các hộ dân lo lắng. Cụ thể là thời gian giao khoán đất rừng từ 50 năm giảm xuống còn 20 năm. Chưa kể đối tượng nhận giao khoán phải là người địa phương cư trú tại xã có rừng.

Những quy định trên khiến nhiều hộ đang nhận giao khoán đất rừng trong tỉnh chần chừ chưa chịu ký lại hợp đồng mới. Nguyên nhân là do ngại thời hạn giao đất quá ngắn, hết thời gian có thể bị thu hồi lại đất và tại nhiều khu đất, những người dân yêu cầu cấp sổ đỏ cho mình lại không phải là người tại địa phương.

Đồng Nai hiện có hơn 104,1 ngàn hécta rừng đặc dụng, trên 40,4 ngàn hécta rừng phòng hộ và gần 35,5 ngàn hécta rừng sản xuất. Tỉnh đã có quy hoạch dài hạn cho 3 loại rừng trên để quản lý và bảo vệ.

Ông B.H. ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Tôi nhận hợp đồng giao khoán gần 5 hécta rừng từ năm 1994 đến nay. Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc có nhiều lần yêu cầu tôi lên ký lại hợp đồng khoán mới nhưng tôi thấy thời gian ngắn nên chưa ký vì sợ hết hạn hợp đồng sẽ bị thu hồi lại đất”.

Trong hơn 120 hộ ở huyện Xuân Lộc chưa chịu ký lại hợp đồng giao khoán đất rừng thì có 30 hộ đang kiến nghị huyện, tỉnh cấp sổ đỏ cho gia đình. Nhưng UBND huyện Xuân Lộc đã trả lời đất lâm nghiệp này thuộc quản lý của chủ rừng, không thể cấp sổ đỏ cho cá nhân, hộ gia đình được.

Ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết: “Khu vực này còn hơn 800 hộ chưa chịu lập lại hợp đồng khoán với diện tích hơn 1.200 hécta. Dù ban quản lý nhiều lần mời các hộ lên làm việc và tuyên truyền để người dân hiểu nếu bảo vệ rừng tốt, hết hạn sẽ tiếp tục được giao đất, song người dân vẫn không chấp hành”. Cũng theo ông Tuấn, với các hộ không chấp hành, chủ rừng không có biện pháp chế tài vì trong Nghị định 168 không quy định.

* Phải quản chặt đất rừng

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, các chủ rừng phải tuyên truyền, yêu cầu những hộ dân đang trồng, bảo vệ rừng phải ký lại hợp đồng để quản lý. Sở Tài nguyên - môi trường cũng cần gấp rút hoàn thiện hồ sơ để cấp sổ đỏ cho những diện tích đất rừng đủ điều kiện để các chủ rừng quản lý. Như vậy, sẽ tránh được các hộ dân sử dụng đất lâm nghiệp lâu ngày đòi chính quyền cấp sổ đỏ cho cá nhân.

“Đồng Nai kiên quyết bảo vệ đất lâm nghiệp nghiêm ngặt để trồng rừng và giữ rừng. Do đó, các hộ muốn tham gia bảo vệ rừng và tận dụng sản xuất trên đất lâm nghiệp lâu dài, ổn định phải chấp hành đúng quy định của Nhà nước. Những hộ cố tình dây dưa không chịu hợp đồng theo quy định mới sẽ buộc phải thu hồi đất lâm nghiệp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Lục, ấp 7, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Tôi nhận khoán 5 hécta rừng phòng hộ hơn 20 năm, thời gian qua, chủ rừng yêu cầu ký lại hợp đồng theo nghị định mới tôi đã ký. Tôi nghĩ mình bảo vệ rừng nhiều năm khá tốt nên chẳng có lý do gì hết hạn Ban Quản lý không ký lại hợp đồng”. Theo ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, khi hết hạn giao khoán, người dân có nhu cầu tiếp tục chăm sóc bảo vệ rừng, ban sẽ xem xét nếu rừng vẫn được bảo đảm sẽ ký lại hợp đồng.

Đồng Nai đã tiến hành đóng cửa rừng hơn 20 năm, diện tích đất lâm nghiệp có rừng trồng rừng được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Vì thế, Đồng Nai vẫn còn giữ được hơn 199,7 ngàn hécta đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là trên 169,2 ngàn hécta.

Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhiều lần đánh giá, Đồng Nai là tỉnh giữ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ tốt nhất cả nước. Đặc biệt tỉnh đã tiến hành đóng cửa rừng trước cả quy định của Chính phủ hơn 15 năm để phục hồi lại rừng tự nhiên. Rừng ở Đồng Nai được bảo vệ tốt có sự góp sức của các chủ rừng và hàng ngàn hộ dân đang nhận khoán bảo vệ rừng.

Hương Giang

Tin xem nhiều