Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội lớn mở ra cho xuất khẩu

03:07, 02/07/2019

Ngày 30-6-2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU đã được ký kết tại Hà Nội.

Ngày 30-6-2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU đã được ký kết tại Hà Nội. Nếu EVFTA có mức cắt giảm thuế quan lớn nhất trong tất cả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì EVIPA là những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn, đầy đủ cho các khoản đầu tư.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty  cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào EU và các nước khác. Ảnh: H.GIANG
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào EU và các nước khác. Ảnh: H.GIANG

[links()]Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, gần 43% vào năm 2025. Đồng thời, hiệp định trên cũng góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm 2,2-3,2% trong giai đoạn 2019-2023 và tăng 4,6-5,3% giai đoạn 2024-2028. Với Đồng Nai, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn.

* Lộ trình giảm thuế nhanh

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU chủ yếu là: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa. Những doanh nghiệp trong nước sản xuất nhóm mặt hàng này trong thời gian tới sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa với “đối thủ” chính là hàng nhập khẩu lúc này đã được xóa bỏ các dòng thuế hoặc thuế giảm dần theo lộ trình.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam với gần 86% số dòng thuế, tương đương 75% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Những mặt hàng còn lại trong vòng 7 năm sẽ giảm thuế trên 99%.

Phía Việt Nam cũng xóa bỏ ngay 65% các dòng thuế với hàng của EU và lộ trình trong 10 năm sẽ bỏ 99% số dòng thuế. Đây sẽ là cơ hội lớn để hàng hóa của Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào EU.

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Việc ký kết EVFTA sẽ giúp cho quan hệ giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, cả hai bên sẽ tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để đem lại lợi ích cho nhau”.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, còn EVIPA góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Tuy nhiên, lễ ký kết mới chỉ là mở đầu cho chặng đường mới, bởi hai phía còn phải chờ phê chuẩn hiệp định và triển khai các nội dung đã ký kết để mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp của hai bên.

Rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng vào 2 hiệp định này vì mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn với 28 nước thành viên của EU và liên kết thu hút đầu tư mở rộng sản xuất cũng thuận lợi hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA và EVIPA tạo ra cơ sở pháp lý mới có lợi cho Việt Nam trong quá trình hợp tác với EU, nhất là về thương mại và đầu tư.

PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh nhận xét: “EVFTA và EVIPA được ký kết mở ra sân chơi lớn để giao thương, thu hút đầu tư. Mục tiêu của Chính phủ là giúp doanh nghiệp mở ra những thị trường mới có tính cạnh tranh cao hơn so với nhiều nước khác, vì gần 100% các dòng hàng sẽ giảm thuế ngay về 0% hoặc theo lộ trình trong 7 năm. Các hiệp định trên chỉ mở ra sân chơi, doanh nghiệp muốn nắm bắt được cơ hội thì phải chủ động”.

* Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2

Với Đồng Nai, EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào EU hiện chiếm 16% trong tổng kim ngạch của tỉnh (tương đương 2,5 tỷ USD/năm). Những mặt hàng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang xuất khẩu nhiều vào thị trường này là: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, nông sản, máy móc thiết bị và phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép, gốm sứ...

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty  cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào EU và các nước khác. Ảnh: H.GIANG
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào EU và các nước khác. Ảnh: H.GIANG

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu dệt may vào thị trường này luôn giữ mức tăng trưởng khá. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu của mặt hàng này giảm dần về 0% sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt như vậy nhiều doanh nghiệp sẽ mở rộng tiêu thụ tại EU”. Đồng Nai là một trong 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất cả nước nên các doanh nghiệp rất trong đợi vào thị trường trên.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai cho biết: “EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng may mặc của công ty nên đã có sự chuẩn bị từ vài năm trước để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, khi hai hiệp định có hiệu lực công ty có thể nắm bắt ngay được những lợi thế về thuế để mở rộng xuất khẩu vào thị trường EU”. Bên cạnh xuất khẩu thuận lợi thì các doanh nghiệp cũng kỳ vọng EVIPA tạo môi trường bình đẳng để liên kết với các công ty của EU, nâng cao chất lượng hàng hóa, dễ dàng vào thị trường cao cấp này.

Đồng Nai đang xuất khẩu hơn 50 mặt hàng chính vào khoảng 170 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 5 nhóm hàng những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD/năm là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ và máy móc thiết bị và phụ tùng. Đây đều là những mặt hàng có xuất khẩu vào EU nhiều.

Ông Lee Hyung Jin, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Giày của Taekwang Vina xuất khẩu vào thị trường EU khá lớn nên doanh nghiệp mong EVFTA sớm có hiệu lực, thuế giảm về 0% giúp công ty giảm giá thành sản phẩm và mở rộng xuất khẩu vào các nước trong khối EU”.

* Nhiều thách thức phải vượt qua

EVFTA, EVIPA dự kiến sẽ đem lại cả lợi thế lẫn thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, cơ hội mang lại chỉ trong một thời gian ngắn nếu doanh nghiệp không nắm bắt nhanh sẽ vuột mất.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Từ 3 năm nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt hội thảo mời các chuyên gia kinh tế về Đồng Nai nói về EVFTA, EVIPA để doanh nghiệp trên địa bàn nắm được các nội dung và có sự chuẩn bị trước. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước nên khi hiệp định có hiệu lực có thể tận dụng ngay được cơ hội mang lại”. Tuy nhiên, theo ông Dũng thì những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ gặp khó khăn, vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Tiến trình đàm phán các hiệp định EVFTA và EVITA. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Tiến trình đàm phán các hiệp định EVFTA và EVITA. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai nhận xét, EU là một thị trường có mức thu nhập cao, chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu là rất lớn nên doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và đảm bảo công bằng, bình đẳng trong môi trường kinh doanh từ EVFTA và EVIPA. Do đó, doanh nghiệp từng ngành hàng phải tìm hiểu kỹ các quy định để có sự chuẩn bị phù hợp, kịp thời mới không bị yếu thế trong sân chơi với EU.

Hương Giang

Tin xem nhiều