Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm nông nghiệp hữu cơ

10:08, 19/08/2019

Anh Nguyễn Thanh Quang (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) đã từ bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê nhà phát triển mô hình trồng rau hữu cơ khép kín kết hợp với mô hình chăn nuôi trang trại khoảng 3 năm nay.

Anh Nguyễn Thanh Quang (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) đã từ bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê nhà phát triển mô hình trồng rau hữu cơ khép kín kết hợp với mô hình chăn nuôi trang trại khoảng 3 năm nay.

Anh Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần An Tâm Gia (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) kiểm tra vườn rau trong trang trại
Anh Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần An Tâm Gia (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) kiểm tra vườn rau trong trang trại

Công ty cổ phần An Tâm Gia của anh chuyên sản xuất sản phẩm về rau hữu cơ và đã cung ứng ra thị trường với sản lượng khá ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

* Bỏ phố về nhà... trồng rau

Anh Quang cho biết, trước đây anh từng làm về lĩnh vực quản trị kinh doanh, xuất nhập khẩu tại nhiều công ty trong và ngoài nước ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa...

Vốn gia đình có truyền thống về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, từ năm 2015, anh Quang bắt đầu nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2016, từ nguồn vốn tích cóp được cùng sự hỗ trợ của gia đình, anh Quang mua 2 hécta đất và thuê thêm gần 3 hécta để mở trang trại. Tổng chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng hệ thống nhà màng đã hơn 1 tỷ đồng.

Anh Quang cho biết: “Mô hình này hướng đến việc đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng. Điều này chính là động lực thôi thúc tôi quyết tâm mở trang trại”.

Thời gian đầu, anh Quang cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai mô hình sản xuất đã lựa chọn, nhất là khi “rẽ ngang” từ công việc “bàn giấy” sang làm nông nghiệp. Anh tự tìm hiểu các kiến thức, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nơi và cùng với một kỹ sư, bạn trẻ “mê” nông nghiệp hữu cơ để phát triển mô hình.

* Chặng đường còn dài

Theo anh Quang, có những lúc cạn vốn, thiếu nhân sự, vườn rau không đạt chất lượng như mong muốn khiến anh rơi vào bế tắc, nghĩ đủ cách để có thể duy trì trang trại.

Dần dần, anh rút ra được bài học kinh nghiệm cũng như học hỏi thêm nhiều giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao. Theo anh Quang, khác với các hình thức sản xuất khác, đất trồng rau hữu cơ cần phải được “nghỉ” để tái tạo, đảm bảo năng suất ổn định.

Trong trang trại của mình, anh Quang bố trí thành nhiều khu vực gồm: khu nhà màng kín và hở trồng các loại rau ăn lá, dưa leo, khổ qua...; khu ươm giống; khu trồng cỏ và khu vực chăn nuôi bò, gà theo hướng khép kín, không sử dụng phân bón hóa học hay các loại cám công nghiệp. Riêng khu vực nhà màng chiếm gần 1 hécta.

Hiện giá bán nông sản hữu cơ khá cao, trung bình 60 ngàn đồng/kg rau. Thị trường tiêu thụ chính của công ty là ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa, một số khu vực gần trang trại, cũng như kết nối bán hàng trực tuyến. Trung bình mỗi vụ rau khoảng 20-25 ngày, trang trại cung ứng khoảng 1,3 tấn rau các loại.

Anh Quang cho biết nguồn thu được từ mô hình sẽ tiếp tục được tái đầu tư để cải tiến, nâng cao chất lượng rau củ, mở rộng các kênh phân phối để nông sản hữu cơ đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, công ty sẽ kết hợp các phương án chăn nuôi khép kín để đa dạng các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Lam Phương

Tin xem nhiều