Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên rà soát lại các cụm công nghiệp

09:08, 26/08/2019

Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch nhằm phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, tuy nhiên tiến độ thực hiện của hầu hết các CCN đang gặp khó khăn.

Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch nhằm phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, tuy nhiên tiến độ thực hiện của hầu hết các CCN đang gặp khó khăn.

Sản xuất gốm sứ tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa)
Sản xuất gốm sứ tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh:H.Giang

Nhiều CCN gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nhiều năm hoặc chủ đầu tư không nhiệt huyết trong việc thúc đẩy xây dựng hạ tầng.

* Nhiều CCN triển khai chậm

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay, qua rà soát, đã có 14 CCN thu hút 194 dự án đi vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nhiều CCN dù đã có quy hoạch nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường cao nên nhiều năm vẫn chưa hoàn thành.

Theo Sở Công thương, hiện Sở đang phối hợp với Sở Tài chính để thống nhất kinh phí và nguồn kinh phí lập đề án, lập thủ tục lựa chọn đơn vị xây dựng đề án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong quá trình xây dựng đề án, Sở Công thương sẽ rà soát, cập nhật và bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của các địa phương một cách phù hợp.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, địa phương này có 6 CCN nằm trong quy hoạch gồm: Thạnh Phú - Thiện Tân, Vĩnh Tân, Thiện Tân, Trị An, Tân An và CCN vật liệu xây dựng Tân An. Đến nay vẫn chưa có CCN nào hoàn thành. Khó khăn chủ yếu vẫn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng...

Tại huyện Thống Nhất, CCN Hưng Lộc do Tổng công ty may Đồng Nai làm chủ đầu tư chưa triển khai được. Trong tổng số 41,8 hécta của CCN này, hiện mới chỉ có 10 hécta đất công được bàn giao, phần còn lại người dân không đồng ý với giá bồi thường.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư hạ tầng, bao gồm chí phí giải phóng mặt bằng hiện nay đã rất cao do giá đất tăng cao. Ông Nguyễn Trí Phương lấy ví dụ ở CCN An Viễn (huyện Trảng Bom), chủ đầu tư xin đổi địa điểm sang xã Đồi 61 để có giá bồi thường thấp hơn. Nguyên nhân là do phải đầu tư một số vốn lớn để giải phóng mặt bằng, đẩy chi phí đầu tư lên xấp xỉ 10 tỷ đồng/hécta nên rất khó để nhà đầu tư thúc đẩy triển khai hạ tầng.

CCN Dốc 47 (TP.Biên Hòa) được quy hoạch trên diện tích 88,4 hécta, hiện đã có 27 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó 19 doanh nghiệp đang hoạt động trong khi hạ tầng của CCN này chưa được triển khai đầu tư. Tháng 10-2018, UBND tỉnh đã giao cho TP.Biên Hòa điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết 1/500, giảm diện tích của CCN này xuống còn 75 hécta, đồng thời lập hồ sơ thành lập CCN. Tuy nhiên, đến nay TP.Biên Hòa vẫn chưa hoàn thành.

* Xem xét loại bỏ các CCN không hiệu quả

Một vấn đề khó khăn khác hiện nay là tỷ suất đầu tư xây dựng hạ tầng CCN đang có xu hướng bị đẩy lên quá cao. Theo đó, từ năm 2019, theo quyết định của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư áp dụng cho CCN dưới 100 hécta tăng lên là 8,9 tỷ đồng/hécta. Việc áp dụng suất vốn đầu tư như trên, đặc biệt là tại một số CCN có doanh nghiệp hoạt động khiến việc đầu tư vào các CCN này gặp khó khăn.

Nguyên nhân là bởi các CCN này được giao cho địa phương đầu tư, vấn đề kêu gọi đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất trong CCN không dễ dàng, do đó kéo dài quá trình xây dựng hạ tầng của CCN.

Trong khi đó, một số CCN đặc thù lại vướng những khó khăn khác. Đơn cử, tại TP.Biên Hòa, CCN gốm sứ Tân Hạnh dù đã đầu tư hạ tầng đồng bộ, có 37 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chậm di dời, thậm chí có doanh nghiệp không thực hiện đúng mục tiêu đầu tư (sản xuất gốm). Do đó, TP.Biên Hòa kiến nghị thu hồi đất của 4 đơn vị đã được chấp thuận đầu tư nhưng chậm di dời và sử dụng đất sai mục đích đăng ký.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, đây là thời điểm cần phải xem xét lại quy trình thu hút doanh nghiệp đầu tư các CCN sao cho có hiệu quả nhất. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này cần phải xem xét lại.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát lại hiệu quả đầu tư của các CCN. Những khu vực nào nhu cầu lớn, thực sự cần thiết sẽ ưu tiên đầu tư. Đối với những dự án mà doanh nghiệp đã được giao đất nhưng chậm triển khai thì kiên quyết thu hồi, thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng CCN một cách có hiệu quả trong thời gian tới.

Lam Phương

Tin xem nhiều