Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều dự án xin "trả" lại vốn

10:08, 19/08/2019

Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2019 được đánh giá là khá chậm. Nguồn vốn bố trí đã có sẵn, nhưng nhiều công trình không giải ngân kịp...

Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng của năm 2019 được đánh giá là khá chậm. Nguồn vốn bố trí đã có sẵn nhưng nhiều công trình không giải ngân kịp nên nhiều khả năng phải “trả” lại vốn cho Nhà nước.

Dự án làm đường ở huyện Nhơn Trạch giải ngân chậm là do vướng giải phóng mặt bằng
Dự án làm đường ở huyện Nhơn Trạch giải ngân chậm là do vướng giải phóng mặt bằng

Theo UBND tỉnh, đến hết tháng 7-2019, giải ngân vốn các dự án công mới đạt gần 40% so với kế hoạch năm. Giải ngân vốn chậm cũng đồng nghĩa với việc các dự án kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.

* Nhiều dự án giải ngân vốn chậm

Tổng vốn đầu tư trong cân đối ngân sách của tỉnh là hơn 6.900 tỷ đồng, phân bổ cho gần 200 dự án trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, do vướng mắc ở khâu làm hồ sơ, giải phóng mặt bằng nên các dự án giải ngân rất chậm. Nhiều đơn vị, địa phương dự tính phải “trả” lại vốn đã giao vì không giải ngân kịp.

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn đầu tư công bình quân của cả nước rất chậm, trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 33% kế hoạch năm. Đồng Nai giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm nhưng so với cả nước vẫn cao hơn 6%.

Đơn cử như Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, năm 2019 được giao vốn 120 tỷ đồng để thực hiện dự án nhưng dự kiến đến cuối năm chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng, tức là khoảng 50% kế hoạch, số còn lại sẽ trả lại ngân sách tỉnh. Nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do trong quá trình thi công phát sinh một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật, phải đợi điều chỉnh cho phù hợp.

Tương tự, Công an tỉnh đang triển khai 4 dự án công và vốn được bố trí trong năm nay là 160 tỷ đồng. Theo đại diện Công an tỉnh, hiện giải ngân đạt hơn 10 tỷ đồng, khả năng đến cuối năm chỉ giải ngân gần 110 tỷ đồng, còn dư lại hơn 50 tỷ đồng xin điều chỉnh “trả” về ngân sách. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được phân bổ 140 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án trong năm 2019, cũng xin “trả” lại 30 tỷ đồng vì giải ngân không kịp...

Tại các huyện, thành phố của tỉnh, các dự án triển khai chậm cũng kéo theo vốn dùng trên thực tế rất ít. Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho biết: “Đến cuối tháng 7-2019, TP.Long Khánh chỉ giải ngân vốn các dự án đầu tư công được hơn 20% là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Hiện thành phố cố gắng đẩy nhanh tiến độ bồi thường nhằm sử dụng hết nguồn vốn tỉnh đã bố trí”. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian khoảng 5 tháng còn lại của năm, hoàn thành phương án bồi thường và chi trả tiền cho người dân bị thu hồi đất là chuyện rất khó thực hiện được.

TP.Biên Hòa được giao vốn gần 100 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 7-2019, mới giải ngân gần 20 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, nhiều dự án chậm trễ so với kế hoạch là do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Số tiền trên lại chủ yếu dành cho công tác bồi thường các dự án. Do đó, các địa phương đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các dự án công để có thể sử dụng hết số vốn đã được giao. Vì nếu không sử dụng hết số tiền được giao sẽ phải trả lại ngân sách. Như vậy, qua năm 2020, dự án muốn được tăng vốn đầu tư thì sẽ rất khó khăn.

* Vốn “nằm chờ” dự án

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà khẳng định, năm nay vốn đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch không thiếu và đang ở trạng thái “nằm chờ”. “Các chủ đầu tư phải tháo gỡ nhanh những vướng mắc để dự án được giải ngân đúng kế hoạch, không phải chuyển nguồn vốn về lại ngân sách. Nơi nào giải ngân vốn được nhiều so với phân bổ thì năm tới có nhu cầu mới tiếp tục bố trí vốn tăng” - ông Hồ Văn Hà nhấn mạnh.

Nhiều chủ dự án cho biết, ngoài công tác bồi thường kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ các công trình thì còn ách tắc ở khâu thẩm tra hồ sơ, hiện đang tồn khá nhiều tại Sở Xây dựng.

UBND tỉnh dự tính sẽ “cắt” phần vốn từ các công trình, dự án không sử dụng hết chuyển qua cho những dự án đang triển khai thiếu vốn. Hiện chỉ có 2 huyện Thống Nhất và Định Quán đề xuất thêm khoảng 55 tỷ đồng cho những dự án thi công nhanh đã dùng hết vốn bố trí trong năm nay.

Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Huyện sẽ giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2019 và đề nghị tỉnh bố trí thêm khoảng 20 tỷ đồng để triển khai tiếp một số công trình khác. Những dự án công được bố trí vốn nhanh để làm sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển của địa phương”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu: “Các chủ đầu tư khi đề xuất ghi vốn cho các công trình, dự án phải tính toán kỹ để không xảy ra tình trạng ghi vốn rồi lại không dùng được khiến dự án thì dư vốn, dự án thiếu vốn. Những huyện vùng xa nên làm sẵn hồ sơ các dự án đầu tư công để khi các dự án giải ngân vốn không hết sẽ chuyển qua để triển khai trước”. Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn để thực hiện nhanh những công trình phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội như là làm đường, hồ thủy lợi, bệnh viện, trường học.

Hương Giang

Tin xem nhiều