Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán về xử lý chất thải

09:09, 06/09/2019

Lượng rác sinh hoạt, rác công nghiệp mỗi năm đều tăng và dự kiến năm 2020, riêng rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh hơn 1.900 tấn/ngày. Một số nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại Đồng Nai đã được đầu tư đảm bảo công suất, chất lượng. Song rác sinh hoạt là vấn đề nan giải cần có những chính sách phù hợp.

Lượng rác sinh hoạt, rác công nghiệp mỗi năm đều tăng và dự kiến năm 2020, riêng rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh hơn 1.900 tấn/ngày. Một số nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại Đồng Nai đã được đầu tư đảm bảo công suất, chất lượng. Song rác sinh hoạt là vấn đề nan giải cần có những chính sách phù hợp.

Xử lý rác thành phân bón tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)
Xử lý rác thành phân bón tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)

Đề xuất của nhiều sở, ngành là giảm quy hoạch các KXL chất thải sinh hoạt để “gom” về 2-3 đầu mối, tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, trong đấu thầu vận chuyển, xử lý rác thì phải có những ràng buộc kèm theo để bảo vệ môi trường.

* Rà soát lại quy hoạch

Nhiều KXL chất thải của Đồng Nai như: Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), Tây Hòa (huyện Trảng Bom), Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ)... hiện vẫn đang đốt rác sinh hoạt. Theo các chuyên gia về môi trường, nếu đốt rác sinh hoạt nhiệt độ dưới 1 ngàn 0C thì có thể phát sinh ra dioxin và những khí độc hại khác. Với nội dung này, cần có sự kiểm tra và quản lý chặt chẽ để không gây ra ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Hiện nay, tỉnh lân cận của Đồng Nai là Bình Dương chỉ quy hoạch 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt duy nhất và việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt khá tốt. Tại Đồng Nai có 7 KXL và khá đông nhà đầu tư nhưng việc xử lý rác vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được tháo gỡ.

Trong đợt giám sát các KXL chất thải trên địa bàn tỉnh gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh nên xem xét lại quy hoạch các KXL rác sinh hoạt. Tới đây, KXL chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đầu tư thêm nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân bón với công suất trên 500 tấn/ngày, cộng với KXL chất thải ở xã Quang Trung 1.200 tấn/ngày, KXL Túc Trưng 110 tấn/ngày đã đảm bảo thì không nên quy hoạch thêm hoặc mở rộng diện tích các KXL rác sinh hoạt khác.

Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết: “UBND tỉnh có yêu cầu ngành môi trường rà soát lại tất cả các dự án xử lý chất thải tại các KXL Vừa qua, tỉnh thu bớt diện tích quy hoạch một số KXL rác vì thực hiện không đúng lộ trình”.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã rút quy hoạch xử lý rác sinh hoạt từ 9 khu xuống còn 7 khu. Hiện các địa phương đang rà soát lại các quy hoạch sử dụng đất để làm tiếp quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030. Đây là dịp mà tỉnh, các huyện, thành phố tính toán lại việc quy hoạch đất đai cho các KXL chất thải phù hợp hay chưa. Thực tế, để tồn tại nhiều khu sẽ khó khăn hơn cho công tác quản lý, khả năng ô nhiễm cũng cao hơn vì các khu không làm tốt việc xử lý sẽ phát sinh mùi hôi, nước thải ra các khu dân cư.

* Tính toán lại giá

Hiện nay, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt được tỉnh tách riêng thành 2 gói đấu thầu khác nhau. Trong đấu thầu, đơn vị nào bỏ thầu thấp nhất sẽ trúng giá, điều này có gây ra một số bất cập là những đơn vị có phương tiện vận tải thô sơ, cũ, chi phí khấu hao cho phương tiện thấp thì thường bỏ thầu rất thấp.

Trong khi đó, các đơn vị mới đầu tư xe vận chuyển hiện đại phải khấu hao lớn nên giá bỏ thầu thường cao nên hay bị loại. Tương tự, đấu thầu xử lý rác sinh hoạt cũng xảy ra trường hợp như trên. Việc đấu thầu sẽ tạo ra sự công bằng và có lợi cho ngân sách tỉnh, song thực tế cần cân nhắc lợi ích giữa khoản tiền tiết kiệm được cho ngân sách so với việc để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Đình Phúc, Phó trưởng phòng Giá công sản (Sở Tài chính) cho hay: “Trước đây, xử lý rác sinh hoạt mỗi địa phương tính một giá khác nhau, từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Sau khi rà soát lại thì các đơn vị chức năng cho rằng giá xử lý rác của Đồng Nai quá cao và buộc phải đấu thầu. Do đó, tỉnh đã tách ra 2 nội dung là vận chuyển, xử lý để đấu thầu riêng”.

Với vận chuyển, sẽ dựa vào quãng đường để tính toán giá đấu thầu và đơn vị nào bỏ thầu thấp nhất sẽ trúng. Việc đấu thầu vận chuyển, xử lý đang xảy ra bất cập là đơn vị trúng thầu lại có phương tiện vận chuyển thô sơ, gây ô nhiễm. Đơn vị trúng thầu xử lý lại thường ở xa nên có khi rác từ đầu tỉnh vận chuyển về cuối tỉnh, quãng đường từ 50-100km, ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Tài chính phối hợp rà soát lại, đề xuất phương án tháo gỡ để có thể gộp lại việc vận chuyển, xử lý làm một nội dung. Như thế việc tính chi phí ngân sách nhà nước phải trả cho việc xử lý sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, điều kiện ràng buộc là doanh nghiệp tham gia đấu thầu vận chuyển rác phải có xe chuyên dụng, công nghệ xử lý rác phải hiện đại, đảm bảo về môi trường.

Khánh Minh

Tin xem nhiều