Báo Đồng Nai điện tử
En

Người mua không 'ngoài cuộc'

09:09, 23/09/2019

Vụ việc 2 anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt tạm giam vào ngày 18-9 vừa qua cùng những công bố kết quả điều tra ban đầu về "tập đoàn địa ốc" này đã hé lộ một con số "khủng": Alibaba đã lừa gần 6.700 khách hàng với tổng số tiền lên đến gần 2,5 ngàn tỷ đồng.

Vụ việc 2 anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt tạm giam vào ngày 18-9 vừa qua cùng những công bố kết quả điều tra ban đầu về “tập đoàn địa ốc” này đã hé lộ một con số “khủng”: Alibaba đã lừa gần 6.700 khách hàng với tổng số tiền lên đến gần 2,5 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, hàng ngàn khách hàng nộp tiền cho Alibaba đang như “ngồi trên đống lửa”, nhiều người đành đến cơ quan chức năng trình báo.

Xét về quyền lợi khách hàng, ai cũng mong họ nhận lại được những đồng tiền đã bỏ ra để “đầu tư đất”. Chưa kể, rất nhiều khách hàng được cho là người thân, người quen, bạn bè… của đội ngũ hàng ngàn nhân viên bán hàng hùng hậu của Alibaba bởi cung cách làm ăn của Alibaba có hơi hướng mô hình đa cấp, nghĩa là “thị trường” chủ yếu của “tập đoàn” này chính là đội ngũ sale và những mối quan hệ của sale.

Sự phát triển “thần tốc” của Alibaba là rất đáng nghi ngờ. Từ một công ty vô danh, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên 1.600 tỷ đồng vào năm 2017, và theo thông báo trên website công ty thì vốn điều lệ hiện đã tăng tới 5.600 tỷ đồng, một con số lớn hơn rất nhiều so với nhiều “đại gia” trong ngành địa ốc ở Việt Nam. Cũng trong mốc thời gian này, nhân sự công ty tăng từ 5 người lên 1.500 và hiện nay là 2.600 người. Cũng theo thông báo từ website công ty thì hiện nay Alibaba có tới 47 dự án với 20 ngàn sản phẩm.

Ở một góc độ khác, những khách hàng của Alibaba đến “nông nỗi” này một phần do sự chủ quan và ham lợi nhuận cao. Từ 3 năm nay, khi TP.Hồ Chí Minh lần đầu tiên phát hiện Alibaba bán dự án “ảo” ở huyện Củ Chi thì trên báo chí đã có những thông tin cảnh báo rộng rãi về cách làm ăn của “tập đoàn” này. Đến năm 2018 và đầu năm 2019, Alibaba trở thành cái tên rất “nổi tiếng” trên truyền thông, hàng chục tờ báo, đài truyền hình, truyền thanh, báo điện tử… cảnh báo, phơi bày liên tục về những dự án “ma”, dự án trái phép tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… mà hàng ngàn người vẫn đổ xô mua đất ảo của Alibaba. Chính quyền địa phương cũng năm lần bảy lượt ra thông tin cảnh báo người dân đừng bỏ tiền vào các dự án “ảo” của Alibaba, thậm chí Bộ Công an vào cuộc điều tra, nhiều người vẫn tiếp tục nộp tiền cho “tập đoàn” này.

Người bình thường khi đi mua đất đầu tư thì vấn đề pháp lý rõ ràng của lô đất đó là vấn đề hàng đầu họ quan tâm. Trong khi đó, khách hàng của Alibaba dù được cảnh báo rất nhiều, bản thân Alibaba cũng không chứng minh được “dự án” của mình là hợp pháp, vẫn bỏ tiền mua để được chia lợi nhuận thì rõ ràng, họ không hoàn toàn là nạn nhân của kiểu làm ăn ám muội này.

Vi Lâm

Tin xem nhiều