Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng chuyển giao cho người Việt

04:10, 09/10/2019

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đang có xu hướng chuyển giao dần những vị trí quản lý trong sản xuất, kinh doanh cho người Việt. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, các ông chủ nước ngoài dần dần chỉ còn nắm giữ một số vị trí chủ chốt để điều hành doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đang có xu hướng chuyển giao dần những vị trí quản lý trong sản xuất, kinh doanh cho người Việt. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, các ông chủ nước ngoài dần dần chỉ còn nắm giữ một số vị trí chủ chốt để điều hành doanh nghiệp.

Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Long Bình chuyển giao vị trí quản lý sản xuất cho người Việt Nam
Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Long Bình chuyển giao vị trí quản lý sản xuất cho người Việt Nam

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, toàn tỉnh có gần 600 ngàn lao động đang làm việc trong các công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp. Trong đó, người nước ngoài khoảng hơn 7,6 ngàn người.

* Chuyển giao dần các vị trí quản lý

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 1.270 dự án của nhà đầu tư FDI đang triển khai với tổng vốn đăng ký trên 24,8 tỷ USD. Những dự án của doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh khá đa dạng với nhiều lĩnh vực. Theo Cục Thống kê, có hơn 50 ngành nghề sản xuất chính, song chủ lực vẫn là giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, máy tính, điện tử, linh kiện...

Dự kiến sắp tới, Đồng Nai sẽ mở rộng 5-6 khu công nghiệp và xây dựng mới thêm 4 khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực tay nghề cao và giỏi nhiều ngoại ngữ sẽ lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ đánh giá: “Xu hướng của các doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai là chuyển dần những vị trí quản lý về sản xuất, kinh doanh cho người Việt Nam quản lý và điều hành. Có nhiều công ty, nhà máy FDI, người nước ngoài chỉ giữ vị trí tổng giám đốc điều hành và một số chuyên gia tư vấn kỹ thuật để hướng dẫn thực hiện các đơn hàng”.

Cũng theo ông Cao Tiến Sỹ, cơ hội cho người Việt tiếp cận công nghệ hiện đại, điều hành trong sản xuất ở nhiều ngành nghề trong sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp FDI ngày càng lớn. Tuy nhiên, để được tín nhiệm và đưa vào các vị trí quản lý thì lao động Việt Nam phải đáp ứng được những đòi hỏi khá cao về trình độ tay nghề, năng lực quản lý, giỏi ngoại ngữ.

Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt (vốn Đài Loan) ở Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi đã đầu tư vào Đồng Nai gần 17 năm và công ty tôi chuyên sản xuất các loại ốc, vít cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Công ty lớn mạnh được như hôm nay là vì tôi có được nhiều cộng sự người Việt giỏi, tận tâm. Vì thế tôi đã chuyển dần các vị trí quản lý sản xuất, kinh doanh và nhiều vị trí quan trọng khác đối với họ”.

Bà Lily Lin chia sẻ thêm, hiện bà đang tiến hành đào tạo và chuyển giao tất cả quy trình sản xuất cho người Việt quản lý và bà chỉ làm Tổng giám đốc điều hành sản xuất, kinh doanh từ xa.

* Cần năng lực, ngoại ngữ tốt

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Đồng Nai đang dẫn đầu về công nghệ sản xuất trên nhiều lĩnh vực quan trọng như sản xuất các thiết bị cho ngành hàng không, ô tô, máy móc, robot...

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp này quan tâm nhất khi đến tỉnh đầu tư hoặc mở rộng sản xuất là tìm nguồn lao động có tay nghề cao, giỏi ngoại ngữ. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai đòi hỏi những người Việt ở các vị trí quản lý phải thuần thục từ 2-3 ngoại ngữ để có thể trao đổi với các chuyên gia kỹ thuật, khách hàng đến từ nhiều nước.

Ông Hiroyuki Nakayama, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nakatec, đại diện Phòng Thương mại - công nghiệp tỉnh Fukui (Nhật Bản) nói: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai ngày một nhiều và một trong những yếu tố khó khăn chúng tôi đang gặp là thiếu nguồn lao động có tay nghề cao và thành thạo từ 2-3 ngoại ngữ. Nguồn lao động tay nghề cao những năm gần đây dễ tìm hơn, nhưng biết 2-3 ngoại ngữ và có thể trao đổi trực tiếp được thì rất khó tìm”.

Theo ông Hiroyuki Nakayama, một số doanh nghiệp tỉnh Fukui đang có ý định đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Đồng Nai và đang rất cần những lao động người Việt Nam có năng lực chuyên môn và giỏi tiếng Nhật Bản, tiếng Anh để bố trí giữ những chức vụ quản lý trong công ty.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hoa Kỳ, châu Âu...cũng cho hay, sản xuất công nghiệp đang được ứng dụng công nghệ hiện đại nên các nhà máy, công ty khi mở ra luôn cần nguồn nhân lực tay nghề cao và biết nhiều ngoại ngữ. Các lao động người Việt đáp ứng được những yêu cầu trên sẽ được giao những chức vụ quản lý về sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề lao động cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, qua những lần làm việc với Tổng lãnh sự Nhật Bản, Hàn Quốc... các tập đoàn nước ngoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Đồng Nai sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu nên “đặt hàng” với tỉnh cụ thể, tỉnh sẽ kết nối với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để đào tạo đúng nhu cầu”.

Theo các chuyên gia về kinh tế, các doanh nghiệp FDI đang ở giai đoạn sẵn sàng chuyển giao khoa học - công nghệ và để người Việt nắm giữ nhiều khâu quan trọng trong sản xuất, kinh doanh sẽ là cơ hội lớn. Do đó, nếu tận dụng tốt, đây là dịp để lao động Việt Nam tiếp cận và làm chủ được các công nghệ sản xuất hiện đại trên nhiều lĩnh vực.

Hương Giang

Tin xem nhiều