Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển các vùng đô thị ven sân bay

04:10, 21/10/2019

Các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý đều cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy nhanh tiến độ để dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cần sớm tính toán việc phát triển đô thị quanh vùng sân bay...

Các chuyên gia kinh tế cũng như các bộ, ngành Trung ương đều cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ để dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) sớm triển khai và đi vào hoạt động, cần sớm tính toán phát triển đô thị quanh vùng sân bay để khai thác lợi thế từ sân bay mang lại.

Phối cảnh dãy nhà liên kế Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn
Phối cảnh dãy nhà liên kế Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

Việc phát triển các đô thị xung quanh sân bay sẽ sắp xếp lại những khu dân cư hiện hữu, tạo ra diện mạo mới và không để dân cư phát triển tự phát. Qua đó, khai thác được quỹ đất và các khu dân cư sinh sống cũng “ngăn nắp” hơn.

* Sẽ sớm hình thành nhiều khu đô thị mới

Theo đồ án quy hoạch vùng huyện Long Thành đang được đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị Hà Nội nghiên cứu, huyện Long Thành sẽ có 3 đô thị gồm: đô thị Long Thành (thị trấn Long Thành), đô thị Bình Sơn và đô thị Phước Thái.

Trong đó, đô thị Bình Sơn là đô thị ven sân bay, phục vụ nhiều loại dịch vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo lãnh đạo UBND huyện Long Thành, khu đô thị Bình Sơn sẽ là một khu đô thị mới, đặc biệt bao gồm cả Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để thực hiện được quy hoạch những đô thị hài hòa, khai thác tốt tiềm năng từ Sân bay Long Thành mang lại, các bộ, ngành cần phối hợp để hỗ trợ Đồng Nai thực hiện; tạo ra sức hút tăng trưởng kinh tế cho khu vực Sân bay Long Thành không phải chỉ riêng của Đồng Nai mà là cho phát triển kinh tế của cả nước. Khu vực xung quanh Sân bay Long Thành khá quan trọng cho việc phát triển kinh tế về lâu dài, nên việc quản lý cũng cần phải chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ vi phạm trong xây dựng.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức nhận xét, khu đô thị Bình Sơn sẽ sớm trở thành một thị trấn, bởi người dân sẽ về ở rất đông. Chỉ tính riêng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 282 hécta, được chia làm 3 phân khu đã có hơn 5 ngàn lô tái định cư. Khu tái định cư này sẽ đáp ứng chỗ ở cho 26,5-29,5 ngàn người dân trong diện giải tỏa trắng thuộc dự án Sân bay Long Thành. Các hộ dân trong vùng dự án đang mong mỏi sớm về khu tái định cư này.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Long Thành, đây là khu dân cư được quy hoạch, xây dựng hạ tầng bài bản nhất của tỉnh hiện nay, bởi tất cả hệ thống điện, cáp viễn thông được đi ngầm, nước sạch được cấp đầy đủ và đặc biệt có cả nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt - hạng mục mà rất ít khu dân cư có được.

Trong khu tái định cư này cũng có đầy đủ các hạng mục hạ tầng xã hội như: trường học, trạm y tế, chợ, công viên và các cơ sở tôn giáo là chùa, nhà thờ. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, các khu vực vùng ven Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cũng sẽ phát triển nhanh, bởi nơi đây gần các khu công nghiệp và sân bay. Thực tế, nhu cầu lao động phục vụ cho các khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn,  Long Đức vẫn tăng mạnh. Trong khi đó, khi xây dựng xong Sân bay Long Thành, số lượng lao động về làm việc cũng sẽ tiếp tục đổ về đây sinh sống nên dân số của khu vực này được nhận định sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

* Cần khai thác lợi thế trực tiếp lẫn gián tiếp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, trong quy hoạch sử dụng đất sắp tới của vùng ven sân bay, tỉnh Đồng Nai cần có tính toán dài hơi hơn. Cụ thể là việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ đất rừng, đất nông nghiệp cần chuyển đổi sang đất phát triển đô thị, đất công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ phục vụ cho Sân bay Long Thành thì mới hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường cho hay, sẽ cùng với UBND tỉnh Đồng Nai tính toán để tạo ra những quỹ đất có giá trị, từ đó có thêm nguồn lực nhằm phát triển không gian Sân bay Long Thành tốt hơn, chỉnh trang các khu dân cư và xây dựng các đô thị mới. “Khi có 5 ngàn hécta đất xây dựng sân bay rồi cần phải tính toán ngay vùng phụ cận để phát huy nguồn lực từ sân bay mang lại, tạo cho khu vực Long Thành có một vị thế mới” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.

Liên quan đến việc khai thác lợi thế từ Sân bay Long Thành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngoài lợi ích trực tiếp từ Sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cùng các bộ, ngành cần tính toán kỹ để khai thác lợi ích gián tiếp của dự án này mang lại. “Đầu tư trực tiếp vào xây dựng sân bay giai đoạn 1 gần 5 tỷ USD sẽ tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở đây, nhưng sau đó phải tính đến tăng trưởng thứ cấp do sân bay mang lại từ phát triển dịch vụ, đô thị, công nghiệp” - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Đồng Nai cần sớm tập trung lập quy hoạch đô thị sân bay, lấy Sân bay Long Thành làm hạt nhân để phát triển. Các quốc gia phát triển cũng đều khai thác sân bay theo hướng này. Trong đó lưu ý việc quy hoạch phải hài hòa, không phát triển đô thị quá mức để gây sức ép lên sân bay. Để thực hiện việc đó thì quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh sân bay cần được tính toán trước.

Khắc Giới

Tin xem nhiều