Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh

04:11, 14/11/2019

Trước những vướng mắc của các địa phương trong thực hiện Luật Quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị quyết số 751) để "gỡ vướng".

Trước những vướng mắc của các địa phương trong thực hiện Luật Quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14) để “gỡ vướng”.

UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu sâu việc bổ sung quy hoạch xung quanh Sân bay Long Thành trong quy hoạch tổng thể để phát huy tối đa lợi thế. Trong ảnh: Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo UBND tỉnh xem bản đồ khu vực xây dựng Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng
UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu sâu việc bổ sung quy hoạch xung quanh Sân bay Long Thành trong quy hoạch tổng thể để phát huy tối đa lợi thế. Trong ảnh: Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo UBND tỉnh xem bản đồ khu vực xây dựng Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Hiện Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác đang triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh vốn bị “tắc nghẽn” trong thời gian qua.

* Nhiều điểm còn vướng mắc

Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 24-11-2017. Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Như vậy, đối với cấp tỉnh chỉ có quy hoạch tỉnh, các quy hoạch khác sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Đối với việc chuyển tiếp các quy hoạch được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực, ông Võ Minh Trung, Phó trưởng phòng Tổng hợp quy hoạch Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch - đầu tư đang tham mưu Chính phủ ra quy định hướng dẫn việc chuyển tiếp các quy hoạch. Khi quy định được ban hành, Đồng Nai sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Việc tích hợp các quy hoạch khác vào quy hoạch chung kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ giúp xóa bỏ được nhiều quy hoạch chồng chéo, kém chất lượng. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 8 vừa qua, việc triển khai Luật Quy hoạch tại các địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai vẫn hết sức khó khăn. Bởi theo luật này, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Tuy nhiên, do 2 quy hoạch này chưa có nên các địa phương rất khó khăn trong việc xây dựng quy hoạch tỉnh.

Theo UBND tỉnh, Luật Quy hoạch có quy định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh phải tuân thủ tính thứ bậc trong hệ thống quy hoạch, phải căn cứ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên, các quy hoạch này chưa được xây dựng và ban hành nên địa phương thiếu thông tin và cơ sở để triển khai quy hoạch tỉnh.

Trước vướng mắc này, giữa tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751 để “gỡ vướng” triển khai Luật Quy hoạch. Nghị quyết này cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào hoàn thành trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các ngành, các cấp, các địa phương, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch. Điều này có nghĩa, quy hoạch tỉnh sẽ được xây dựng song song với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng.

Phó trưởng phòng Tổng hợp quy hoạch, Sở Kế hoạch - đầu tư Võ Minh Trung cho biết, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh đã triển khai ngay việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Giữa tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh và Hội đồng quy hoạch tỉnh đã có buổi làm việc với đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch” - ông Võ Minh Trung cho hay.

Ông Võ Minh Trung thông tin thêm, hiện nay UBND tỉnh đã bãi bỏ nhiều quy hoạch theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đang rà soát các quy hoạch thuộc đối tượng bãi bỏ để tiếp tục trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. 

* Quy hoạch kỹ các vùng “tiềm năng”

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện nay đơn vị tư vấn đã xây dựng xong đề cương quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Qua xem xét, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, địa phương để rà soát cập nhật số liệu mới nhất khi xây dựng nhiệm vụ quy hoạch. Đồng thời, phân tích ưu, khuyết điểm đối với việc phân vùng quy hoạch tỉnh thành 5 vùng so với phân thành 3 vùng trước đây.

Rừng ngập mặn sông Thị Vải - Cái Mép được yêu cầu quy hoạch chi tiết để hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu
Rừng ngập mặn sông Thị Vải - Cái Mép được yêu cầu quy hoạch chi tiết để hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu nghiên cứu sâu quy hoạch tại các vùng tiềm năng về phát triển kinh tế, du lịch sinh thái, cảnh quan đô thị và vùng có vai trò bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành theo dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. Sân bay Long Thành với vai trò là cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia còn có nhiều tiềm năng và cơ hội hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực trong tương lai. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu sâu việc bổ sung quy hoạch xung quanh Sân bay Long Thành trong quy hoạch tổng thể tỉnh để phát huy tối đa lợi thế.

Cùng với đó, trong quy hoạch tổng thể, tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển vùng đầu nguồn sông Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng Nam Cát Tiên. Định hướng những khu vực này trở thành khu du lịch sinh thái và bảo tồn, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, cần quy hoạch phát huy tối đa cảnh quan sông Đồng Nai để xây dựng đô thị ven sông.

Với mục tiêu phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị phải có quy hoạch chi tiết, rõ ràng trong việc bảo tồn khu rừng đước vùng ngập mặn sông Thị Vải - Cái Mép để đảm bảo hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu…

Phạm Tùng

Tin xem nhiều