Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm "trợ lực" chính sách

11:12, 09/12/2019

Thói quen người tiêu dùng và chi phí sản xuất cao là hai trở lực chính khiến xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh vẫn đang ở mức "trào lưu".

Thói quen người tiêu dùng và chi phí sản xuất cao là hai trở lực chính khiến xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh vẫn đang ở mức “trào lưu”.

Một quán trà, cà phê nằm trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) sử dụng ống hút cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa. Ảnh: Hải Quân
Một quán trà, cà phê nằm trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) sử dụng ống hút cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa. Ảnh: Hải Quân

[links()]Do đó, để xu hướng này trở nên phổ biến hơn cần có sự “tiếp sức” từ chính mỗi người tiêu dùng cũng như các cơ chế chính sách từ Nhà nước.

* Tăng thuế đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường

Theo ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, trong chương trình chống rác thải nhựa, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt không sử dụng chai nhựa, ly nhựa tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn…

Hiện nay, tại các khu chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, túi ny-lông được cả người dùng lẫn người bán sử dụng phổ biến để đựng các mặt hàng. Nhiều quầy hàng, khi bán một sản phẩm cho người tiêu dùng còn “rộng rãi” sử dụng đến 2-3 túi ny-lông bao đựng cho khách.

Giá thành rẻ và tiện lợi khiến túi ny-lông cũng như nhiều sản phẩm đồ nhựa dùng một lần chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống hằng ngày hiện nay. Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho rằng, do giá thành rẻ và tiện lợi nên các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny-lông đang bị “lạm dụng” trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Theo ông Hải, hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như túi ny-lông đang ở mức 40 ngàn đồng/kg, tương đương với khoảng
200-400 đồng cho mỗi sản phẩm (1kg đồ nhựa một lần, túi ny-lông có thể có từ
100-200 sản phẩm). Đây là mức thuế quá thấp so với chi phí bỏ ra để xử lý rác đối với các sản phẩm này. Do đó, để hạn chế việc sử dụng tràn lan các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần và túi ny-lông, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng thuế để tăng giá bán các sản phẩm này. “Khi các sản phẩm này không còn rẻ nữa thì người bán cũng không còn “hào phóng” cho người mua, người tiêu dùng cũng sẽ phải cân nhắc lựa chọn các sản phẩm khác, trong đó có các sản phẩm thân thiện với môi trường” - ông Phạm Gia Hải nêu quan điểm.

Về phía các doanh nghiệp, hầu hết đều mong muốn các cơ quan chức năng có thêm nhiều chương trình, chính sách khuyến khích sản xuất - kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, bao bì “xanh”...

Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng - Nutriworld cho rằng, để các doanh nghiệp có thể theo đuổi hướng đi sản xuất xanh, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Từ đó, sản xuất ra các sản phẩm xanh đủ sức cạnh tranh.

* “Trợ lực” cho sản xuất, tiêu dùng xanh

Để khuyến khích xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, hạn chế rác thải nhựa và túi ny-lông, những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo Sở Công thương, từ năm 2010, Đồng Nai đã thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Thông qua đó, hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất sạch hơn.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay, việc phát triển xu hướng sản xuất - tiêu dùng xanh cần nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh. Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh; đề xuất các phương án, kế hoạch phát triển, khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên…

Trong khi đó, để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa, ny-lông, UBND tỉnh cũng đã phát động phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành thực hiện các giải pháp hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo đó, Sở Công thương tuyên truyền, hướng dẫn các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ hạn chế sử dụng túi ny-lông khó phân hủy trong bao gói hàng hóa cho người tiêu dùng; tăng tỷ lệ sử dụng túi ny-lông dễ phân hủy, thân thiện môi trường hoặc túi sử dụng nhiều lần. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thay thế có chất liệu thân thiện hơn với môi trường.

Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ny-lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Cùng với đó, Sở Khoa học - công nghệ tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao bì, túi thân thiện với môi trường; chuyển giao công nghệ tái chế rác thải nhựa và ny-lông khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Lam Phương - Quỳnh Nhi

 

 

 

 

Tin xem nhiều