Báo Đồng Nai điện tử
En

Chôn lấp rác thải sinh hoạt: Hướng đến giải pháp bền vững

04:12, 28/12/2019

Mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp xuống dưới mức 30% trong năm 2019 của Đồng Nai đã được thực hiện hoàn thành...

Mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp xuống dưới mức 30% trong năm 2019 của Đồng Nai đã được hoàn thành.

Giải pháp đưa thêm rác về xử lý tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung chỉ mang tính tạm thời. Trong ảnh: Xử lý rác tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Ảnh:P.Tùng
Giải pháp đưa thêm rác về xử lý tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung chỉ mang tính tạm thời. Trong ảnh: Xử lý rác tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Ảnh:P.Tùng

Đồng thời, các cơ quan chức năng đang yêu cầu các chủ dự án hoàn thành lắp đặt hệ thống xử lý rác tại các khu xử lý để tiếp tục giảm tỷ lệ rác chôn lấp, bảo vệ môi trường.

* Chạy đua hoàn thành mục tiêu

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1,8 ngàn tấn rác sinh hoạt/ngày, trong số này, lượng rác được thu gom đưa về các khu xử lý rác trên địa bàn tỉnh để xử lý đạt tỷ lệ hơn 98%.

Năm 2019, Đồng Nai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ xử lý rác thải được đưa về các khu xử lý bằng hình thức chôn lấp dưới mức 30% để bảo vệ môi trường. Song do việc đầu tư hệ thống xử lý của chủ đầu tư tại các dự án xử lý rác trên địa bàn tỉnh còn chậm trễ khiến việc thực hiện mục tiêu trên gặp rất nhiều khó khăn.

Để giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt xử lý theo hình thức chôn lấp, Đồng Nai đã quyết định xây dựng nhà máy xử lý rác thành điện tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục.

Đến cuối tháng 11 vừa qua, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức trên 40%. Nguyên nhân là do trong 7 khu xử lý rác được phê duyệt xây dựng trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 khu xử lý thực hiện việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt và sản xuất phân compost, gồm: Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi; Khu xử lý chất thải tại xã Túc Trưng, (huyện Định Quán) của Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc; Khu xử lý Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) của Công ty TNHH thương mại Thiên Phước và Khu xử lý chất thải Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) của Công ty TNHH Cù Lao Xanh.

Tuy nhiên, trong 4 khu xử lý này, cũng chỉ có Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung đạt tỷ lệ xử lý bằng hình thức chôn lấp dưới 30% (rác thải chôn lấp tại khu xử lý này đạt tỷ lệ từ 10-12% tổng lượng rác tiếp nhận). Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên - môi trường đã đề xuất giải pháp chuyển thêm khoảng 300 tấn rác thải/ngày phát sinh tại địa bàn TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch về Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung để xử lý.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, công suất xử lý rác của Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung đạt khoảng 800 tấn rác/ngày. Trong khi đó, trong nội dung phê duyệt đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp cho Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung thì công suất xử lý tại đây có thể đạt mức 1,2 ngàn tấn rác/ngày. Do đó, giải pháp chuyển thêm rác về Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung để xử lý sẽ giúp đạt mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp. Phương án này sau đó đã được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho hay, từ đầu tháng 12 này, việc vận chuyển thêm rác thải sinh hoạt về Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung để xử lý đã được thực hiện. “Với việc Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung tiếp nhận thêm rác để xử lý, mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp về dưới mức 30% trong năm 2019 đã hoàn thành” - ông Đặng Minh Đức cho hay.

* Cần giải pháp căn cơ, bền vững

Dù mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp trong năm 2019 đã được hoàn thành nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc dồn rác vào một số khu xử lý để xử lý như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời.

Ngoài ra, theo ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, năm 2020, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt xử lý bằng hình thức chôn lấp về mức dưới 15%. Đây là mục tiêu đã được Đồng Nai đặt yêu cầu hoàn thành vào năm 2017, tuy nhiên do gặp khó khăn nên đã được điều chỉnh qua từng năm.

Từ thực tế trên, để thực hiện đạt mục tiêu mới, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ, bền vững hơn. Cụ thể, đối với các dự án xử lý rác đã được phê duyệt thực hiện, các chủ đầu tư cần phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống lò đốt, dây chuyền sản xuất phân compost để tiếp nhận, xử lý rác.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng đã nhấn mạnh, giải pháp đưa thêm rác về Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thiện, vận hành các dây chuyền để tiếp nhận rác và xử lý. “Tỉnh sẽ xem xét thu hồi các dự án đối với các doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều