Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp đối mặt với biến đổi khí hậu

03:12, 23/12/2019

Ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm hàng đầu của nông dân, doanh nghiệp Việt Nam .

Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH đang là mối quan tâm hàng đầu của nông dân, doanh nghiệp.

Nông dân lo mất mùa thanh long Tết Nguyên đán 2020. Trong ảnh: Nông dân cắt bỏ những nhánh thanh long bị nấm bệnh tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên
Nông dân lo mất mùa thanh long Tết Nguyên đán 2020. Trong ảnh: Nông dân cắt bỏ những nhánh thanh long bị nấm bệnh tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

[links()]Theo Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới đã và sẽ tiếp tục mang lại giải pháp đột phá để giải quyết các thách thức của phát triển hiện nay. Trong đó, nông nghiệp và BĐKH là một trong những lĩnh vực được quan tâm. Ở đây, việc ứng dụng công nghệ cao xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững, bảo đảm sinh kế lâu dài cho nông dân phải được đặt lên hàng đầu.

* Biến đổi khí hậu làm giảm 5,8 lần năng suất

Trước thực trạng BĐKH, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu, đệ trình Kế hoạch quốc gia tự nguyện và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, thể hiện cam kết quốc gia cao nhất trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam đang là một ngành kinh tế chủ lực, chiếm 14,57% tổng sản phẩm quốc nội, tạo việc làm chính ở nông thôn nhưng lại đóng góp 19-29% phát thải khí nhà kính (ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới). Đáng lo ngại hơn, Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới về tác động BĐKH.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề liên quan tới dân số và tăng trưởng GDP trong 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Theo tính toán, nước biển dâng 1cm, năng suất lúa canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40,5%. Việt Nam cũng đứng thứ hai về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp, giảm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng và 24% ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo đến năm 2050, sản lượng lúa của Việt Nam giảm gần 1,5 triệu tấn/năm; sản lượng bắp giảm 880 ngàn tấn/năm; cà phê giảm 6,6%, mì giảm 3,6%... Phần lớn vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước, gây bất lợi lớn đến ngành thủy sản; nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ có thể bị thiệt hại hoàn toàn do nước biển dâng.

Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam - TS khoa học Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, nông nghiệp là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Tác động của BĐKH đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm
0,7-2,4% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Tổng năng suất nông nghiệp có thể sẽ giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó với BĐKH và sẽ tăng thêm 5,4 lần nếu các bên liên quan trong nông nghiệp thực hiện các hành động chủ động hơn để ứng phó với BĐKH. Với mực nước biển dâng cao 1m, dự báo sẽ có gần 11 ngàn km2 diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ngập.

* Nông dân chịu tổn thương lớn

Hiện nông dân là nhóm bị ảnh hưởng rất lớn, chịu rất nhiều rủi ro, tổn thương do BĐKH. Ngay cả những tỉnh, thành được đánh giá là khí hậu ôn hòa, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai như Đồng Nai cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ BĐKH. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2017 có trên 40 ngàn hécta xoài, điều của tỉnh bị mất mùa, dịch bệnh do ảnh hưởng của mưa trái mùa, gây thiệt hại khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng. Vụ thu hoạch cuối năm nay, nhiều loại cây trồng như: bưởi, xoài, thanh long... cũng đang gặp cảnh mất mùa, dịch bệnh tấn công do thời tiết biến đổi thất thường.

Cá bè tại sông La Ngà (huyện Định Quán) chết trắng vì thiên tai vào tháng 5-2019
Cá bè tại sông La Ngà (huyện Định Quán) chết trắng vì thiên tai vào tháng 5-2019

Ông Nguyễn Văn Lý, nông dân xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, vụ thu hoạch cuối năm nay, xoài cát Hòa Lộc ở nhiều vùng đều mất mùa vì đợt xoài ra bông bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Những vườn xoài trồng giống Đài Loan, giống ba mùa mưa có cho trái nhưng năng suất cũng giảm mạnh khiến nhiều nông dân lo ngại mất trắng tiền đầu tư. “Vài năm trở lại đây, nông dân trồng xoài thường thất thu do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Đây là cây trồng khá nhạy cảm với thời tiết nên rủi ro mất mùa, dịch hại tấn công ngày càng cao khi xảy ra BĐKH” - ông Lý lo lắng.

Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng là một trong những bộ, ngành có chiến lược cũng như cam kết tương đối mạnh mẽ và sớm so với các ngành kinh tế khác về ứng phó BĐKH. Bà Lê Hoàng Anh, thành viên của Tổ công tác đàm phán về nông nghiệp trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP 25) vừa được tổ chức tại Vương quốc Tây Ban Nha cho biết, nội dung của ngành nông nghiệp Việt Nam đưa ra tại COP 25 so với các quốc gia xung quanh rất khác biệt là có sự cam kết mạnh mẽ hơn. Vì nông nghiệp có thích ứng được với BĐKH thì mới tồn tại và phát triển. “Nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng thích ứng nếu thay đổi sản xuất giảm phát thải và vào chuỗi sản xuất sạch, bền vững” - bà Hoàng Anh khẳng định.

* Chủ động thay đổi

Chỉ ra những rủi ro rất gần của BĐKH, TS.Phạm Thị Hồng Yến, phụ trách về thị trường quốc tế của Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi trước khi khí hậu thay đổi chúng ta”. Trong đó, những vấn đề cần được quan tâm thực hiện ngay là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH để người dân hiểu và có những thay đổi tích cực về cách sinh hoạt, phương thức sản xuất, tiêu dùng thích ứng với BĐKH. Hoàn thiện các chính sách pháp luật về phòng chống và kiểm soát thiên nhiên; phối hợp với các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế trong triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH.

Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang thúc đẩy hợp tác công tư để cùng phát triển các ngành hàng xanh và các chuỗi cung ứng xanh. Theo bà Bùi Việt Hiền, đại diện của UNDP Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, chương trình này đang triển khai dự án “Thúc đẩy sự tham gia của Khu vực tư nhân vào các cơ hội đầu tư phát thải thấp và chống chịu khí hậu trong Kế hoạch quốc gia tự nguyện của Việt Nam 2019-2022”. Thông qua đó, UNDP sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng công nghệ xanh, tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, và tích hợp các sáng kiến hài hòa với tự nhiên và giảm rủi ro khí hậu như một mô hình cạnh tranh mới cho Việt Nam.

Trong thực tế sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng ngày càng quan tâm đến các giải pháp ứng phó với BĐKH. Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho hay, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp như: tăng tỷ lệ giống ngắn ngày; sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, mặn, đổ ngã…); ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. “Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên rất được chú trọng” - ông Vinh nói.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Đồng Nai là địa phương chỉ chịu những ảnh hưởng của tình trạng BĐKH ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, các nguy cơ lớn về tình trạng ngập lụt, cạn kiệt nguồn nước và xâm nhập mặn cũng là mối đe dọa rất lớn. Cũng theo đánh giá, các lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu sự tác động nhiều nhất của BĐKH trên địa bàn tỉnh là tài nguyên nước, năng lượng, nông nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.

Xuất phát từ thực tế trên, theo kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai đã đưa 64 dự án ứng phó với BĐKH vào danh mục ưu tiên với tổng vốn đầu tư hơn 2,9 ngàn tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu tập trung cho công tác chống ngập, thoát nước, các hồ đập thủy lợi và công trình chống xâm nhập mặn.

Đồng Nai cũng đã triển khai hàng loạt dự án điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá cơ bản về tiềm năng nguồn nước, hiện trạng và khả năng khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: dự án điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nưới dưới đất tỉnh Đồng Nai… Đến nay, phần lớn các dự án nêu trên đã được triển khai và hoàn thành. Căn cứ vào các kết quả này, tỉnh đã đưa ra các định hướng trong việc hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất, bố trí và quy hoạch mạng lưới cấp nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước sạch nhưng vẫn không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Phạm Tùng

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều