Báo Đồng Nai điện tử
En

Rủi ro mua sắm trực tuyến...

03:12, 13/12/2019

 Với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng thì dù đang ở đâu, thời gian nào, người tiêu dùng đều có thể mua được bất cứ thứ gì, họ có nhu cầu, từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo thời trang…

Kinh doanh qua mạng đang là một xu thế và trào lưu của cuộc sống hiện đại. Với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng thì dù đang ở đâu, thời gian nào, người tiêu dùng đều có thể mua được bất cứ thứ gì, họ có nhu cầu, từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo thời trang cho đến dược phẩm, mỹ phẩm…

Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Ảnh: H.Quân
Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Ảnh: H.Quân

[links()]Bên cạnh những “cửa hàng online” uy tín, cũng có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và những bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để len lỏi, trà trộn hàng giả, hàng nhái để bán cùng hàng thật.

* “Ma trận” mua sắm online

Kinh doanh trực tuyến hiện đang tồn tại chủ yếu dưới 2 hình thức: một là bán hàng thông qua các trang mạng xã hội đã được thiết lập dưới “hình dạng” các sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm và hai là hình thức bán hàng thông qua website riêng.

Hàng gia dụng, mỹ phẩm là một trong những sản phẩm được mua trực tuyến nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử: Shopee, Sendo, Lazada… và các mạng xã hội Facebook, Zalo…

Số lượng các trang bán hàng trực tuyến, các trang kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng nhiều cùng với nhiều hình thức kinh doanh online mới. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho thấy, mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và bán hàng qua ứng dụng di động đạt 22%.

Thế nhưng, độ phổ biến càng cao, câu hỏi về chất lượng sản phẩm đặt ra càng nhiều. Với những thương hiệu được liên hệ trực tiếp để nhập về bán thì có độ yên tâm tương đối cao về nguồn gốc, chất lượng. Nhưng ngoài nhóm hàng này, các sàn thương mại điện tử còn có hình thức để các cửa hàng tự chủ động đăng ký gian hàng để bán vô số sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm này có thể là chính hãng hoặc không, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, là hàng thật hay giả, chất lượng thực sự thế nào.

Chị Hoàng Linh (ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) cho hay: “Tôi thường xuyên lựa chọn phương thức mua hàng online. Thực tế mua sắm online cho thấy cùng một mặt hàng có đến hàng chục mức giá chênh lệch làm người mua hàng thật sự choáng ngợp, không biết nên chọn lựa ra sao. Mua hàng online là một hình thức mua sắm “chợ trời” không hơn không kém”.

Chị Bảo Yến (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Ngoài những tiện lợi, tôi thấy còn có một số bất cập. Tôi từng đặt mua một sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ một sàn giao dịch điện tử, khi nhận hàng mới biết sản phẩm đó đã sắp hết hạn sử dụng”.

* Nhiều rủi ro

Người tiêu dùng thường có xu hướng tâm lý mua sắm chỉ vì sản phẩm đó được truyền thông quảng cáo rộng rãi, hay mua… ủng hộ người quen dù chưa qua kiểm chứng về chất lượng, nguồn gốc. Thói quen này đã khiến một bộ phận người tiêu dùng mua phải những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.

Chị Hồng Nhung, nhân viên văn phòng ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Có lần thấy một người quen bán hàng Thái Lan “xách tay” trên trang Facebook cá nhân, tôi mua ủng hộ các loại nước giặt, nước xả vải về dùng, phần vì cũng yên tâm, giá cả hợp lý. Thế nhưng, khi mở nắp chai, nước giặt dường như đã bị pha loãng đi, mùi hắc lên rất khó chịu, không giống với loại chai tôi từng mua khi du lịch Thái. Lúc này, ngại hỏi người quen bán hàng đó, tôi tự kiểm tra mã vạch và bao bì sản phẩm thì nhận lại được những hàng chữ không rõ nghĩa. May sao tôi có chút hiểu biết và từng dùng qua sản phẩm để phân biệt được, nếu không thì đã sử dụng phải loại hàng giả, hàng kém chất lượng”.

Bên cạnh một số người mua nhầm hàng giả do không phân biệt được đâu là hàng thật - hàng giả, vẫn có không ít người tiêu dùng dù đã được cảnh báo, tiếp cận nhiều thông tin, thậm chí biết mình đang mua phải hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận, vì loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Chính vì sự dễ dãi, chỉ thấy lợi ích trước mắt nên nhiều người đã gián tiếp khiến cho hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi, tiêu thụ tràn lan trên thị trường.

Theo khảo sát tại một chi nhánh cửa hàng phân phối của một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Hàn Quốc ở đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa), giá một tuýp kem chống nắng dao động từ 560-885 ngàn đồng với dung tích từ 50-80ml. Thế nhưng, các cửa hàng online chỉ bán với mức giá từ 150-250 ngàn đồng, thấp bằng 1/3, 1/4 so với giá niêm yết tại cửa hàng. Tương tự, với các dòng sản phẩm làm sạch, dưỡng da, trang điểm… từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức nổi tiếng như: The Face Shop, Shiseido, Kiehl’s, MAC, Lancome… giá tại những “cửa hàng online” cũng rất thấp so với giá niêm yết trên website chính thức hoặc tại cửa hàng chính hãng.

Tuy nhiên, khi mua hàng “xách tay”, người tiêu dùng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái rất cao vì không có hóa đơn, chứng từ, xác nhận xuất xứ hàng hóa cũng như phiếu kiểm định chất lượng kèm theo nếu không mua ở những địa chỉ uy tín. Phần lớn các mặt hàng này không có tem phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, vì vậy người mua không thể biết tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất/phân phối, công dụng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa có đúng như quảng cáo hay không.

Bên cạnh đó, không khó để tìm kiếm trên các sàn giao dịch điện tử hay Facebook, Zalo một cửa hàng tự phát chuyên bán đồ Việt Nam xuất khẩu, hoặc thời trang nổi tiếng nước ngoài với mức giá “phải chăng”, “sale rẻ như cho”… của những thương hiệu từ phân khúc tầm trung như: Zara, Mango, H&M, Uniqlo… cho đến phân khúc cao cấp hơn: Michael Kors, Levi’s, Calvin Klein… Các loại quần áo, túi xách, giày dép, nước hoa được rao bán với giá chỉ từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng, trong khi hàng chính hãng có giá từ vài triệu đồng trở lên. Nhìn thấy hình ảnh bắt mắt, lời chào mời của trang bán hàng, nhiều người tin tưởng đặt mua nhưng sản phẩm nhận được là loại hàng gia công, chất liệu xấu.

Chủ một trang Facebook N.K chuyên bán hàng xách tay ở TP.Biên Hòa lý giải, do cửa hàng “săn” được hàng những đợt khuyến mãi giá rẻ, không mất tiền thuê mặt bằng hay đóng thuế nên sản phẩm rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Có những nguồn hàng do cửa hàng nhập về với số lượng lớn nên được nhà cung cấp chiết khấu với giá ưu đãi.

Đây là cách giải thích của hầu hết các cửa hàng online, bên cạnh đó còn là lời đảm bảo về chất lượng, cam kết giá trị sản phẩm, nếu bán hàng kém chất lượng sẽ hoàn tiền 100%. Khi mua phải các loại hàng này, người mua cũng không biết kiện cáo, phản ảnh ai vì ngay từ đầu cách mua ở “chợ trời” online đã không tạo ra một giao kèo chắc chắn nào giữa người mua và người bán.

* Không dễ quản lý

Đặc thù của kinh doanh trực tuyến là chủ thể bán hàng thường không có kho hàng hay cửa hàng thực tế mà chỉ nhận đơn đặt hàng trực tuyến, không đăng ký, không có hóa đơn chứng từ, thu tiền mặt từ khách hoặc nhận chuyển khoản qua tài khoản cá nhân mà không thể hiện nội dung mua bán hàng hóa… Do đó, việc kiểm tra thực tế và chứng minh vi phạm rất khó khăn.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), khoảng 20% khiếu nại gửi đến cơ quan này trong 10 tháng của năm 2019 liên quan đến cung cấp thông tin gây nhầm lẫn và chất lượng không đúng như quảng cáo, trong đó có những khiếu nại liên quan đến hình thức kinh doanh hàng trực tuyến.

Đồ họa thể hiện mức độ đánh giá hiệu quả từ việc bán hàng qua những công cụ trực tuyến của các doanh nghiệp theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom). Nguồn: Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Vecom (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện mức độ đánh giá hiệu quả từ việc bán hàng qua những công cụ trực tuyến của các doanh nghiệp theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom). Nguồn: Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Vecom (Đồ họa: Hải Quân)

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai nhận định, mua hàng thông qua các hình thức kinh doanh trực truyến tiềm ẩn nhiều rủi ro như: mua phải hàng giả, hàng không đúng với quảng cáo, cam kết chất lượng, các vấn đề liên quan đến bảo hành, đổi trả sản phẩm... Khoảng 30% lượt khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng đến Hội thường liên quan đến những vấn đề về mua hàng trực tuyến.

Hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường, ở nhiều phân khúc khác nhau, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhất là linh động về giá cả. Hầu hết sản phẩm hàng hóa của các hãng có uy tín, thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Thậm chí, tốc độ “nhái” nhanh đến mức khi các sản phẩm thật chỉ mới “chớm nở” trên các website chỉ vài ngày sau đã có mặt nhan nhản trên thị trường với nhiều mức giá “siêu cạnh tranh”.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý các hoạt động kinh doanh trực tuyến hiện nay là trang thiết bị để kiểm tra, rà soát của lực lượng quản lý thị trường chưa tương thích với kỹ thuật, công nghệ mới, trong khi quá trình phát triển của thương mại điện tử có những biến chuyển nhanh chóng về công nghệ.

Ngoài ra, danh sách hệ thống các website thương mại điện tử đang vận hành, các trang mạng xã hội hoạt động mua bán hàng online vẫn chưa được cập nhật, đồng bộ. Hệ thống pháp luật và thương mại điện tử còn nhiều “lỗ hổng”, còn đang hoàn thiện dần nên nhiều trường hợp lợi dụng để “biến tướng” kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng nguồn gốc… trong hoạt động thương mại điện tử.

Lam Phương

Tin xem nhiều