Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu năm 2019 khó 'về đích'

04:12, 02/12/2019

Trong 11 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 17,8 tỷ USD, tăng gần 5,7% so với cùng kỳ năm 2018. Vì vậy, kế hoạch đạt mức tăng trưởng từ 10-12% của Đồng Nai xem ra khó đạt được.

Trong 11 tháng của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 17,8 tỷ USD, tăng gần 5,7% so với cùng kỳ năm 2018. Do đó, kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng từ 10-12% của Đồng Nai xem ra khó đạt được.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG

Theo dự báo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm 2019 chỉ tăng hơn 7% so với năm 2018. Và trong năm sau, nếu xuất khẩu không có gì bứt phá thì rất khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của giai đoạn 2016-2020.

* Nhiều mặt hàng tăng trưởng chậm

Trong hơn 50 mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh thì chỉ khoảng 4 mặt hàng có kim ngạch tăng từ 10% trở lên. Ở các mặt hàng còn lại, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng nhẹ từ 1-6% hoặc giảm từ 3-8%. Do đó, bình quân kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 8%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng thấp hoặc không tăng là do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc.

Trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai chỉ có 3 mặt hàng có mức tăng trưởng khá là: giày dép, máy móc thiết bị và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng. Dệt may, sản phẩm gỗ tăng rất ít, cụ thể: dệt may tăng 3,3%, sản phẩm gỗ hơn 7%. Riêng xơ sợi dệt giảm gần 7%.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong gần 11 tháng của năm 2019 đạt 230 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu 221 tỷ USD, tăng 7,2%. 11 tháng qua, cả nước đã xuất siêu 9 tỷ USD, trong đó riêng Đồng Nai xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Dịp đầu năm nay, xuất khẩu dệt may gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng, đầu ra. Đến quý III, quý IV thì thị trường xuất khẩu có khả quan hơn, đơn hàng dồi dào nhưng lại thiếu lao động. Do đó, doanh thu của công ty dự tính năm 2019 đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 10%”. Thị trường xuất khẩu chính của Công ty cổ phần Đồng Tiến hiện nay là châu Âu và Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp dệt may khác trên địa bàn tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành dệt may phải đối mặt với việc khan hiếm đơn hàng, kim ngạch 11 tháng của năm 2019 chỉ đạt 1,85 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất là Hoa Kỳ (chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu) tăng hơn 6% so với cùng năm trước, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai nhưng lại giảm 2%, Pháp là thị trường lớn thứ ba và chỉ tăng 3,5%...

Theo các công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ ở Đồng Nai, 5/7 thị trường xuất khẩu chủ đạo của mặt hàng gỗ bị giảm kim ngạch là: Hàn Quốc, Canada, Australia, Anh, Trung Quốc và mức giảm trên 10%. Hai thị trường vẫn ổn định và có kim ngạch tăng khá là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Với mặt hàng xơ, sợi dệt thì có đến 5/6 thị trường xuất khẩu chính giảm kim ngạch. Cụ thể Trung Quốc giảm gần 5%, Hàn Quốc gần 21%, Ấn Độ giảm 8%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm hơn 15% và Thái Lan giảm gần 2%. Do đó, ngành xơ sợi dệt xuất khẩu 11 tháng của năm nay đạt gần 1,33 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm trước.

* Không như kỳ vọng

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019, và dù có đột phá, xuất khẩu Đồng Nai được cho là khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 10-12%. Trong tháng 12, xuất khẩu dự báo sẽ tốt hơn vì vào mùa cao điểm sản xuất, xuất khẩu của nhiều mặt hàng, song khả năng cả năm chỉ tăng hơn 7%. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ thấp hơn kế hoạch gần 3% (tương đương gần 900 triệu USD) và điều này sẽ ảnh hưởng đến cả giai đoạn (2016-2020). Theo đó năm 2020, xuất khẩu của tỉnh phải đạt mức tăng trưởng cao 13-15% để bù lại thì tăng trưởng trong cả giai đoạn mới đạt nghị quyết đề ra.

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay: “Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm nhiều mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh. Những thị trường khác như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng bị cạnh tranh gây gắt. Bên cạnh đó, các loại nông sản xuất khẩu của Đồng Nai lại giảm về giá do ảnh hưởng của thị trường thế giới vì cung vượt cầu”.

Ngoài ra, xuất khẩu của Đồng Nai giảm còn do nhiều doanh nghiệp thấy thị trường ngoại gặp nhiều cản trở nên đã quay về tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa. Vì thế, dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng xuất siêu của Đồng Nai lại tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng của năm 2019, Đồng Nai xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Tiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại ốc vít tiêu thụ ở thị trường trong nước, xuất khẩu. Thời gian gần đây, xuất khẩu gặp khó, công ty tăng cường tìm đối tác trong nước nên sản xuất vẫn ổn định và doanh thu vẫn khá tốt”.

Theo các chuyên gia, nếu giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá, doanh thu của các doanh nghiệp cao, nhưng nếu kim ngạch xuất khẩu giảm do doanh nghiệp quay về tiêu thụ tại thị trường trong nước là điều đáng mừng về lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp làm được điều này và trước mắt, xuất khẩu giảm vẫn là một mối lo với Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

 Hương Giang

Tin xem nhiều