Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với các "chiêu trò" gian lận thương mại

04:01, 20/01/2020

Khi thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mở rộng, thì bên cạnh những lợi thế, cũng đã xuất hiện thách thức lớn là tình trạng gian lận thương mại xuất hiện nhiều hơn...

Khi thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mở rộng, bên cạnh những lợi thế thì cũng xuất hiện thách thức lớn là tình trạng gian lận thương mại xuất hiện nhiều hơn với các “chiêu trò” ngày càng tinh vi. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường, hải quan đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lớn về xuất xứ hàng hóa, hàng gian, hàng giả... tại Đồng Nai.

Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện lô hàng mỹ phẩm giả xuất xứ, giả nhãn hiệu. Ảnh:H.Quân
Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện lô hàng mỹ phẩm giả xuất xứ, giả nhãn hiệu. Ảnh:H.Quân

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gần đây các ngành hải quan, quản lý thị trường (QLTT) liên tục phát hiện các vụ hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bài 1: Đối mặt với hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam

Trong năm 2019, Đồng Nai đã phát hiện gần 4.400 vụ gian lận thương mại, tăng gần 9% so với năm 2018. Đồng Nai là cửa ngõ về giao thông của vùng nên sẽ là “tâm điểm” để các đối tượng tập kết, sản xuất hàng giả nhãn hiệu, giả xuất xứ đưa đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.

* Phát hiện vụ hàng giả xuất xứ lớn

Ngày 6-8-2019, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đồng Nai) tiến hành kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH điện máy AQUA Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đã phát hiện sản phẩm máy giặt AQUA AQW-DR120CT loại 12kg với số lượng 356 cái có dấu hiệu dán nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất.

Cụ thể là trên bao bì giấy chứa hàng hóa có dán nhãn hàng hóa bằng tiếng Việt thể hiện kiểu máy giặt AQW-DR120CT, các thông tin kỹ thuật và thông tin về nhà sản xuất ghi “Sản xuất tại Công ty TNHH điện máy AQUA Việt Nam số 8 đường 17, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, P.An Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam” và trên sản phẩm máy giặt cũng ghi thông tin sản xuất tại Công ty TNHH điện máy AQUA Việt Nam.

Để chống gian lận xuất xứ, vào tháng 7-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg năm 2019 về việc ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Đối chiếu hồ sơ hải quan khi nhập khẩu, dòng sản phẩm máy giặt AQW-DR120CT được Công ty TNHH điện máy AQUA Việt Nam nhập khẩu theo loại hình để bán cho thị trường nội địa.

Vừa qua, trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho hay: “Công ty TNHH điện máy AQUA Việt Nam ghi hồ sơ tại hải quan là nhập khẩu hàng hóa này để bán cho thị trường nội địa, không phải nhập khẩu để sản xuất. Do đó, công ty ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là không đúng theo quy định. Vì vậy, Đội QLTT số 1 tiếp tục tạm giữ số hàng hóa trên và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc sang Công an tỉnh để tiếp tục điều tra xác minh xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Liên quan đến vụ việc của Công ty TNHH điện máy AQUA Việt Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Khi lực lượng QLTT phát hiện vụ việc thì một số hàng hóa của công ty đã đưa đi tiêu thụ. UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng chức năng sớm làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm. Đồng thời, yêu cầu ngành hải quan phối hợp chặt chẽ với QLTT để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt. Bởi hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thì nguy cơ, rủi ro rất lớn”.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam cũng bị giả nhãn hiệu, xuất xứ như: bột ngọt, bột nêm của Ajinomoto; dầu gội đầu và dầu xả Clear, Sunsilk; kem dưỡng da Pond’s, mỹ phẩm của hãng L’Oreal; giày thể thao Adidas, Nike... để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

* Lập lờ giữa sản xuất và lắp ráp

Năm 2019, Đồng Nai có kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 16 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ kiện về, sản xuất thêm một số thiết bị, lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, giá hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp hạn chế sản xuất, thay vào đó là nhập các linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp và dán nhãn xuất xứ Việt Nam. Những sản phẩm giả xuất xứ tiêu thụ nội địa nhằm lừa người tiêu dùng trong nước, còn xuất khẩu để hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với các doanh nghiệp phân biệt hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu.
Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với các doanh nghiệp phân biệt hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam lưu ý: “Vừa qua, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phát hiện 200 container hàng hóa chỉ lắp ráp, không sản xuất tại Việt Nam nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam và vận chuyển ra cảng chuẩn bị đưa đi xuất khẩu. Lô hàng trên đã được giữ lại để điều tra làm rõ và xử lý. Tại Đồng Nai, Bình Dương đều phát hiện sản phẩm giả mạo xuất xứ Việt Nam, do đó Cục Hải quan Đồng Nai phải phối hợp với QLTT kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra, nếu phát hiện hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam phải xử lý thật nghiêm”.

Cũng theo ông Cẩn, Cục Hải quan Đồng Nai và các tỉnh, thành khác kiểm soát kỹ hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu nếu phát hiện hàng chỉ lắp ráp thì thông tin cho QLTT để kiểm tra xuất xứ có ghi đúng hay không.

Theo Cục QLTT Đồng Nai, trong năm 2019, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý 214 vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện và xử lý 170 vụ vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt tiền hơn 470 triệu đồng...

Cuối tháng 12-2019, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử phạt Công ty TNHH Excel (Bình Dương) nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp giai đoạn cuối thành sản phẩm và lấy xuất xứ Việt Nam xuất vào Mỹ để hưởng ưu đãi thuế. Vụ việc được kịp thời phát hiện và xử lý trong nước, nếu để xuất qua nước ngoài bị phát giác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hàng hóa của Việt Nam.

Hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam bị phát hiện hầu hết là hàng Trung Quốc. PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh nhận xét: “Trong thời gian tới, hàng hóa của Việt Nam tiếp tục chịu sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc ngay cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu sang các nước. Tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ Việt Nam sẽ còn diễn ra phức tạp, tinh vi hơn. Muốn kiểm soát, ngăn chặn tốt việc này, Chính phủ đã có quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, các tỉnh, thành căn cứ vào đó để kiểm tra xử lý”.

Theo ông Trần Đức Đông, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, phần lớn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam xuất vào các thị trường đã ký kết hiệp định sẽ được miễn giảm thuế. Do đó, nguy cơ bị mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sẽ rất lớn, vì thế Đồng Nai cần có giải pháp để quản lý, không để xảy ra tình trạng trên.

Hương Giang - Hải Quân

Bài 2: Kiểm soát chặt hàng xuất nhập khẩu

Tin xem nhiều