Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2020, FTA sẽ giúp ghi thêm kỷ lục

04:01, 02/01/2020

Việt Nam đang dẫn đầu thế giới vì có nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) nhất. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực. Dự tính năm 2020, các FTA sẽ tiếp tục mang lại cho nước ta nhiều lợi thế nhưng cũng không thiếu các thách thức...

Việt Nam đang dẫn đầu thế giới vì có nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) nhất. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực. Dự tính năm 2020, các FTA sẽ tiếp tục mang lại cho nước ta những lợi thế trong xuất khẩu, thu hút đầu tư nhưng cũng không thiếu các thách thức.

Sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu của Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt, Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh:H.Giang
Sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu của Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt, Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh:H.Giang

Theo Bộ Công thương, các FTA đã giúp cho Việt Nam gặt hái được những kết quả đáng kể là kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư tăng cao. Đồng thời, trong 4 năm liền, Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi thêm các kỷ lục mới. Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp nắm được cơ hội từ các FTA nhanh hơn nên đã có 6 năm xuất siêu, thu hút FDI trong 5 năm trở lại đây đều tăng từ 45-60%/năm.

* Mở rộng xuất khẩu

Đàm phán nhanh và ký kết sớm các FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới. Đây cũng là một trong những yếu tố đem đến cho nước ta một sức bật mới, giữ mức tăng trưởng cao trong khi xu hướng thế giới đang phát triển chậm lại.

Những FTA mang đến cho Việt Nam cũng như Đồng Nai thêm nhiều thị trường có sức cạnh tranh cao, vì hơn 90% các dòng thuế quan đã được giảm theo lộ trình về 0%. Những FTA có tác động lớn đến Việt Nam là: ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu và đặc biệt là 2 FTA “khủng”: CPTPP (có hiệu lực từ tháng 1-2019) và Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2019, các FTA giúp cho chỉ số sản xuất ngành sản xuất giày da và các sản phẩm có liên quan tăng gần 15% so với năm 2018. Nguyên nhân tăng cao là do thị trường xuất khẩu mở rộng sang nhiều nước. Những doanh nghiệp có xuất khẩu lớn ở lĩnh vực này là: Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam, Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial...

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Năm 2019, các FTA đã giúp cho Việt Nam đạt kỷ lục mới trong xuất, nhập khẩu với kim ngạch 517 tỷ USD, tăng gần 100 tỷ USD so với năm trước. Năm 2020, tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu. Đặc biệt vài tháng nữa, FTA Việt Nam - EU có hiệu lực”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp Việt muốn nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì phải tái cơ cấu sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường trên.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư vào Việt Nam và Đồng Nai nhiều là do tốc độ “mở cửa” nhanh, rộng và sâu, điều này thể hiện qua nhiều FTA đã ký kết. Bên cạnh đó, chính trị ổn định, Chính phủ ngày càng có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA mang lại nên sản xuất liên tục được mở rộng để đáp ứng các đơn hàng lớn. Tới đây, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi thế trong xuất khẩu hơn nữa vì thị trường này có 28 nước tham gia” - ông Okada Hideyuki đánh giá.

Ở Đồng Nai, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-12%/năm và xếp vào danh sách 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, năm 2019 đạt 19,7 tỷ USD.

* Đối mặt và giải quyết thách thức

Bên cạnh những lợi thế về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào những nước đã ký kết các FTA thì Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức là hàng hóa bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, một số ngành, lĩnh vực sẽ phải chịu tổn thương lớn như nông nghiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại tin tưởng đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, nông dân phải tái cơ cấu sản xuất, liên kết để tồn tại, phát triển.

Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh:H.Giang
Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh:H.Giang

PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh - chuyên gia tư vấn doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhận định: “Chính phủ ký kết các FTA là để mở ra cho các doanh nghiệp một sân chơi rộng lớn hơn để giao thương, thu hút đầu tư. Mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp có thêm những thị trường mới, tính cạnh tranh cao hơn với nhiều nước khác khi thuế xuất khẩu trên 90% mặt hàng sẽ giảm dần về 0%”.

Thế nhưng ông Hoàng cũng nhắc nhở, ký kết các hiệp định chỉ là mở ra sân chơi, các doanh nghiệp muốn tận dụng được các cơ hội thì phải chủ động chuẩn bị từ trước để hưởng các ưu đãi. Nếu không chủ động, cơ hội chỉ có trong một thời gian ngắn và sẽ hết.

Trên địa bàn tỉnh những năm qua, doanh nghiệp FDI tận dụng cơ hội từ các FTA khá tốt. Đây cũng là khối chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội từ các FTA chưa cao.

Ông Lý Thiên Thất, Tổng giám đốc Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Từ khi các FTA đi vào đàm phán, công ty đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để khi hiệp định có hiệu lực là có thể mở rộng xuất khẩu ở thị trường đó. Những ưu đãi về thuế sẽ giúp doanh nghiệp tăng được khả năng cạnh tranh với hàng cùng loại đến từ các nước”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, năm 2020, Đồng Nai đề ra kế hoạch tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 10-11% và tỉnh đã đưa ra những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Trong đó, tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước Việt Nam có ký kết các FTA. 

Hương Giang

Tin xem nhiều