Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắp ký kết FTA có thị trường đông dân nhất trong lịch sử

09:02, 17/02/2020

Các nước trong khối ASEAN và 6 nước đối tác gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và New Zealand đang rà soát để ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Các nước trong khối ASEAN và 6 nước đối tác gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và New Zealand  đang rà soát để trong năm 2020, tiến hành ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).  Nếu RCEP được ký kết thì mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào khu vực này chỉ còn 0-5%.

Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH ASY Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH ASY Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Theo Bộ Công thương, RCEP là hiệp định thương mại đa phương (FTA) lớn nhất trong lịch sử, với tổng cộng thị trường các nước tham gia gồm 3,5 tỷ dân. Hiệp định sẽ tạo ra khu vực mậu dịch tự do, rộng lớn với nhiều đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Đây cũng là thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn của Đồng Nai.

* Những lợi thế từ RCEP

Hiệp định RCEP gồm có 16 nước tham gia, đây là khu vực chiếm 47,4% dân số, 29% thương mại và 32,5% dòng đầu tư toàn cầu. Những lợi thế mang lại khi hiệp định được ký kết là ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa; quy tắc xuất xứ hàng hóa nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng; thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất; các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những ưu đãi của RCEP sẽ hứa hẹn tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những nước tham gia tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan.

Mới đây, trong cuộc họp báo thông báo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: “Cuối năm 2019, 15/16 nước tham gia đàm phán về Hiệp định RCEP đã kết thúc đàm phán với nội dung khoảng 20 chương và cơ bản thống nhất các vấn đề về tiếp cận thị trường và tiến hành rà soát về mặt pháp lý để ký kết hiệp định trong năm 2020 tại Việt Nam”.

Với Đồng Nai, những nước tham gia Hiệp định RCEP đều là những đối tác lớn trong xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư. Riêng Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan đã đầu tư vào tỉnh gần 17 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu, kết thúc đàm phán RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực. Đồng thời, các hiệp định trên sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài.

* Doanh nghiệp chờ đợi

Các nước tham gia trong RCEP đều là những thị trường lớn của Đồng Nai nên các doanh nghiệp rất trông đợi hiệp định sớm ký kết và có hiệu lực để tạo thuận lợi hơn nữa trong xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Trung Quốc, Hàn Quốc là 2 thị trường nhập khẩu nguyên liệu, máy móc sản xuất lớn nhất của tỉnh với 500 triệu USD/tháng. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng xuất khẩu vào 2 nước này gần 300 triệu USD/tháng.

Ông Kyu Yong Chi, Giám đốc Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho biết: “Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng tiến hành tìm hiểu những yêu cầu của các hiệp định để khi có hiệu lực sẽ tận dụng ưu thế mang lại”.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cho rằng, lâu nay Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn, chiếm tỷ lệ 50-80% tùy theo các đơn hàng. Do đó, những yêu cầu đòi hỏi về xuất xứ hàng hóa dễ dàng đáp ứng được.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết: “Từ khi các hiệp định thương mại tiến hành đàm phán, phía tỉnh cũng bắt đầu mở các hội nghị truyền tải thông tin đến các doanh nghiệp về những lợi thế, thách thức mang lại. Mục đích là để doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, như vậy khi hiệp định có hiệu lực có thể hưởng được các ưu đãi, đồng thời có biện pháp ứng phó với những khó khăn”.

Đồng Nai được Bộ Công thương đánh giá là nơi doanh nghiệp có sự chuẩn bị khá tốt để đón các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang ký kết.

Hiệp định RCEP được tiến hành đàm phán từ cuối năm 2012 đến cuối năm 2019. Năm nay, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đề ra 4 mục tiêu quan trọng để thực hiện, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định RCEP.

Hương Giang

Tin xem nhiều