Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần cách nhìn mới về an ninh lương thực

04:03, 21/03/2020

Nhiều địa phương và cả các bộ, ngành đang kiến nghị giảm diện tích đất lúa vì an ninh lương thực quốc gia (ANLTQG) hiện nay cần được nhìn nhận lại trong tình hình mới.

Nhiều địa phương và cả các bộ, ngành đang kiến nghị giảm diện tích đất lúa vì an ninh lương thực quốc gia (ANLTQG) hiện nay cần được nhìn nhận lại trong tình hình mới.

Cánh đồng lúa sạch tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu được ứng dụng nhiều kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng lúa. Ảnh: B. Nguyên
Cánh đồng lúa sạch tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu được ứng dụng nhiều kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng lúa. Ảnh: B. Nguyên

Triển khai đề án ANLTQG đến năm 2020, Đồng Nai đã bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa song song với việc định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh việc không ngừng tăng cao về sản lượng lúa gạo thì phát triển mạnh nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: heo, gà, cây ăn trái, rau củ...

* Tăng sản lượng lúa

Theo Bộ NN-PTNT, sau 10 năm thực hiện đề án ANLTQG (2009-2019), cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện, toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 2,61%/năm. Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu. Năm 2018, diện tích đất lúa cả nước đạt trên 4,159 triệu ha, vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết về bảo vệ đất lúa của Quốc hội là 3,76 triệu ha... Sản lượng lúa tăng từ trên 39 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 43,4 triệu tấn/năm vào năm 2019. Năm 2019, nước ta đã xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn, thu về hơn 3 tỷ USD.

Ở góc độ tài nguyên nước, hiện Bộ Tài nguyên - môi trường và Ngân hàng Thế giới đã xác định hiện 80% nước của Việt Nam sử dụng cho nông nghiệp, đặc biệt cho lúa nước; các lĩnh vực khác chỉ có 20%. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn... ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam cần phải cập nhật lại tình hình mới và tính toán lại giảm tỷ lệ đất lúa, ưu tiên đất cho cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn hoặc để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brasil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Giá trị và sản lượng nhiều loại nông sản trong nước đều tăng mạnh, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm trong năm đầu thực hiện đề án lên trên 525 kg/năm hiện nay; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh, từ 9,75 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 17,6 triệu tấn/năm vào năm 2019; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 12,6 triệu tấn/năm vào năm 2019...

Mặc dù điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Đồng Nai ít thích nghi với cây lúa, năng suất lúa bình quân thấp hơn các tỉnh nhưng Đồng Nai vẫn tập trung đầu tư thủy lợi để phát triển cây lúa, góp phần đảm bảo ANLTQG.

Theo Sở NN-PTNT, trong năm 2019, diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt gần 59,8 ngàn ha, giảm gần 12,7 ngàn ha (giảm 18% so với năm 2009). Tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống mới nên năng suất lúa tăng 20%; sản lượng lúa đạt gần 325 ngàn tấn, không biến động nhiều so với năm 2009.

Tuy nhiên, các mặt hàng khác như: bắp, rau, đậu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản… đều tăng mạnh so với trước. Cụ thể, năm 2019, diện tích cây ăn trái đạt trên 68 ngàn ha, tăng trên 11 ngàn ha, sản lượng tăng 32% so với năm 2009. Rau, đậu đạt trên 19,5 ngàn ha, giảm hơn 3 ngàn ha nhưng năng suất tăng 30% nên sản lượng đạt gần 570 ngàn tấn, tăng gần 48 ngàn tấn.

Ấn tượng nhất là về chăn nuôi. Năm 2019, tổng đàn heo của tỉnh là 2,5 triệu con, tăng 167%, sản lượng tăng 198%; sản lượng thịt gà tăng 500% so với năm 2009…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp tỉnh ở mức từ 3,5-4%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước. Đồng Nai cũng đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã dần chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa lớn với nhiều mô hình hay trong ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

* ANLT trong điều kiện mới

ANLT càng trở nên bức thiết hơn thời gian vừa qua vì dân số thế giới ngày càng tăng. Chưa bao giờ tình trạng biến đổi khí hậu, nước dâng, thiên tai mạnh mẽ như hiện nay; tốc độ đô thị hóa cao; dịch bệnh diễn biến bất thường, nhất là dịch Covid-19.

Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh cả nước, toàn hệ thống chính trị, xã hội đang phải “gồng mình” chống dịch Covid-19, ANLTQG là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển mới có những đòi hỏi phải thay đổi về chất. Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam có sự thay đổi rất lớn về lượng, tạo tiền đề cho sự thay đổi về chất sau này. Tương tự như vậy, về ANLTQG, Việt Nam phải có cách nhìn mới hơn, có những thay đổi về chất hơn.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cách nhìn nhận, đánh giá về ANLTQG phải khác, cơ cấu bữa ăn đã rất khác xưa, đòi hỏi về chất lượng, cơ cấu trong ANLT để đảm bảo đúng các tiêu chuẩn của quốc tế cũng đã có những thay đổi rất lớn. Nông nghiệp phải gắn với thương mại, với công nghiệp, với khoa học và trí thức. ANLTQG phải gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, phải quy hoạch lại sản xuất nói chung ở tầm quốc gia, ở vùng và từng địa phương trong vùng để phát huy được từng lợi thế so sánh của quốc gia so với thế giới, của các vùng so với đất nước, so sánh của mỗi tỉnh đối với các vùng để có quy hoạch sản xuất nói chung. Trong nông nghiệp, địa phương nào trồng lúa, trồng bao nhiêu là vừa để đảm bảo ANLTQG, còn để chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị gia tăng cao hơn để đáp ứng được nhu cầu của người dân; để dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, làm đô thị hóa.

Cùng quan điểm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thời gian tới cần thay đổi tư duy, tầm nhìn cũng như những giải pháp cụ thể đặt ra để đảm bảo ANLTQG. Hiện ANLT là vấn đề rộng lớn hơn, đó là vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh về dinh dưỡng cho con người do cuộc sống đòi hỏi cao hơn. Mặt khác, ANLT gắn với an ninh tài nguyên nước, an ninh môi trường và an toàn về chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo đối với người dân. ANLT gắn với đảm bảo công ăn việc làm, sinh kế và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải giữ vững quan điểm đảm bảo ANLT một cách vững chắc trong mọi tình huống nên phải “chốt cứng” diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khâu dự trữ. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh thành vai trò mới là lợi thế đặc thù có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế lâu dài, trong đó cần chú trọng đến đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới. Phải đáp ứng thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, chống thể trạng thấp bé, còi của người Việt Nam nên cần tăng nhanh sản lượng sữa cũng như các nhóm thủy sản, thịt đỏ, thịt gà, rau quả...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều