Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa dễ kéo giảm thịt heo bán lẻ

04:03, 23/03/2020

Giá thịt heo liên tục "đứng" ở mức cao trong suốt thời gian dài, khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị ảnh hưởng do khẩu phần thức ăn của người Việt Nam luôn có nhiều thịt heo.

Giá thịt heo liên tục “đứng” ở mức cao trong suốt thời gian dài (kể từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán đến nay) khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị ảnh hưởng do khẩu phần thức ăn của người Việt Nam luôn có nhiều thịt heo.

Trại heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:B.Nguyên
Trại heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:B.Nguyên

Chiều 20-3 chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu giảm giá thịt heo bằng các biện pháp phù hợp, theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, giá thịt heo tăng cao có nguyên nhân vì giá thành nuôi heo hiện tăng rất cao, chủ yếu do giá con giống đội lên và rủi ro dịch bệnh lớn. Việc giảm giá thịt heo cần nhiều giải pháp đồng bộ.

* Giá thành chăn nuôi tăng cao

Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) có hơn 30 con heo gần đến tuổi xuất chuồng. Tuần trước, thương lái đã đến trả mức 78 ngàn đồng/kg heo hơi. Bà Thảo tính toán, lứa này, bà bắt heo giống có giá khoảng 2,2 triệu đồng/con trọng lượng 20kg, trừ chi phí và hao hụt thì bà có thể đạt lợi nhuận trên 2 triệu đồng/con. Tuy nhiên, số lời này không đủ bù cho khoản tiền bà mất vì lứa heo tái đàn trước đó mất trắng do dịch tả heo châu Phi.

Bà Thảo chia sẻ: “Tôi mới bắt thêm lứa heo con mới hơn 50 con, giá heo con đã đội lên khoảng 3 triệu đồng/con, cộng thêm tiền cám, tiền thuốc men thì giá thành 1kg heo hơi ít nhất là khoảng 60-65 ngàn đồng/kg tùy tỷ lệ hao hụt đàn. Nếu giá heo hơi vẫn giữ mức hơn 70 ngàn đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lời”.

Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Thanh, hộ chăn nuôi tại xã Tân An nhận xét, giá thành nuôi heo hiện nay đội lên gần gấp đôi so với giai đoạn trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Nguyên nhân khiến giá thành tăng cao chủ yếu do giá con giống quá cao, mặt khác tỷ lệ hao hụt đàn hiện nay lớn hơn nhiều so với trước vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Người chăn nuôi chúng tôi đang hồi hộp tái đàn. Tôi vừa mất cả đàn heo hơn 100 con vì dịch tả heo châu Phi và nay mới dám tái đàn. Hộ nào may mắn giữ được đàn cũng thường phải chịu tỷ lệ heo hao hụt từ 30-50% nên với mức giá heo hơi hơn 70 ngàn đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi không hề đạt lợi nhuận cao như mọi người vẫn tưởng” - ông Thanh nói. 

Lý giải cho việc giá heo giống tăng cao, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) chia sẻ, đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, đàn nái bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo đó, muốn đầu tư đàn nái mới, trang trại sản xuất giống phải chi một khoản tiền không nhỏ vì 1 con heo hậu bị hiện nay có giá khoảng 10 triệu đồng/con, cộng thêm các chi phí nuôi trong 6 tháng để có lứa heo con mới. Một chi phí rất lớn là tỷ lệ hao hụt đàn nái hiện nay ít nhất là từ 30% trở lên, chứ không phải chỉ ở mức 3-5% như trước.

Ngoài ra, chi phí cho trại an toàn sinh học như: thường xuyên phun thuốc sát trùng, khử độc, chi phí trả cho công nhân cách ly sống và làm việc ngay trong trại... cũng góp phần làm tăng chi phí chăn nuôi. Trại giống phải chi ít nhất 1,5 triệu đồng để có 1 con heo con lọt lòng và giá heo giống đạt trọng lượng khoảng 20kg xuất bán thường có giá khoảng 3 triệu đồng/con.

* Cần sự hỗ trợ đồng bộ

Theo người chăn nuôi, giá con giống tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi đang là một trong các nguyên nhân chính khiến giá thành chăn nuôi bị tăng lên. Đây cũng là khó khăn không nhỏ cho người chăn nuôi khi muốn đầu tư tái đàn.

Mặt khác, giá con giống tuy rất cao nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được vì hiện nguồn cung đang khan hiếm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn chủ yếu chỉ bán heo cho hệ thống các trại nuôi gia công do họ đầu tư chứ không bán nguồn giống ra ngoài thị trường.               

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện ngành chăn nuôi đang “ngấm đòn” sau hơn 1 năm xảy ra dịch tả heo châu Phi. Trong đó, đàn nái thiệt hại nặng nề nên đầu tư lại đàn nái cần chi phí rất lớn.

Với mọi chi phí đầu tư đều tăng cao như hiện nay, giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên từ 60-65 ngàn đồng/kg. Trong đó, khâu yếu nhất của chăn nuôi nội địa vẫn là ở khâu giống. Hiện trung bình một con heo nái nội địa chỉ đẻ được 9-10 con heo con, trong khi mức trung bình của nhiều nước trên thế giới là 20-24 con/nái. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá con giống tăng quá cao như hiện nay.

Người chăn nuôi hiện nay muốn tái đàn gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự xoay xở, hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay vì đầu tư nhiều rủi ro do khả năng dịch tái phát vẫn cao. “Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó, cần hỗ trợ khâu yếu nhất là sản xuất giống” - ông Công nói.

Ngoài ra, kiểm soát các khâu trung gian cũng là giải pháp cần thiết góp phần bình ổn giá thịt heo trên thị trường hiện nay. Theo một số thương lái trên địa bàn Đồng Nai, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn có công bố giảm giá heo hơi nhưng thực tế rất ít thương lái mua được heo của công ty với giá gốc. Vì các công ty chăn nuôi lớn thường bán cho các đối tác của họ và thương lái phải mua lại thông qua khâu trung gian này và do đó giá heo bị đẩy lên cao hơn so với giá công ty niêm yết.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều