Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

11:03, 16/03/2020

Thực tế, lũy kế đến nay, trên cổng thông tin đăng ký quốc gia, Đồng Nai đã có hơn 37 ngàn doanh nhiệp, tuy nhiên chỉ khoảng một nửa trong số đó là thực sự hoạt động hiệu quả...

Cũng như cả nước, mục tiêu đặt ra của Đồng Nai trong năm 2020 là có 32 ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Thực tế, lũy kế đến nay, trên cổng thông tin đăng ký quốc gia đã có hơn 37 ngàn DN, tuy nhiên chỉ khoảng một nửa trong số đó là thực sự hoạt động hiệu quả.

May mặc là ngành nhận được nhiều hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo lao động những năm vừa qua. Ảnh: V.GIA
May mặc là ngành nhận được nhiều hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo lao động những năm vừa qua. Ảnh: V.GIA

[links()]Để hỗ trợ DN phát triển, Đồng Nai đã ban hành nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm của địa phương.

* Chú trọng chất lượng DN thành lập mới

Trong những năm gần đây, hàng năm, số lượng DN tăng thêm của Đồng Nai từ 3-4 ngàn. Theo thời gian, số lượng DN ở Đồng Nai thành lập mới ngày càng nhiều hơn.

Mặc dù vậy, qua kết quả điều tra thực trạng DN Đồng Nai trong các năm 2017, 2018, Cục Thống kê Đồng Nai nhận định, hoạt động của cộng đồng DN ở Đồng Nai vẫn còn nhiều thách thức. Theo đó, số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn khá lớn nhưng xét về quy mô lao động và quy mô vốn phổ biến vẫn là DN nhỏ và vừa. Do vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thấp, trình độ quản lý còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp... nên hiệu quả mang lại không cao; số DN thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hằng năm khá lớn.

Mặt khác, thủ tục cấp phép thành lập DN ngoài nhà nước hiện nay khá đơn giản, trong khi công tác quản lý DN sau cấp phép chưa chặt chẽ. Tình trạng DN tự chuyển đổi địa điểm kinh doanh; ngưng, nghỉ hoạt động khá phổ biến nhưng khả năng kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng rất hạn chế.

Một vấn đề nữa là dù có số lượng lớn hộ kinh doanh cá thể có thể tạo nguồn lên doanh nghiệp nhưng chưa đạt như mong đợi. Theo lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai, thực tế rất nhiều hộ kinh doanh dù có doanh thu lớn, đội ngũ nhân công đông đảo nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình. Do các thủ tục nâng cấp còn phức tạp khiến các cơ sở kinh doanh này không muốn chuyển đổi.

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung cho rằng Đồng Nai là một trong ít địa phương có số lượng DN lớn. Bên cạnh đó, triển vọng phát triển từ hộ kinh doanh lên DN còn rất lớn, tuy nhiên lãnh đạo Bộ KH-ĐT lưu ý việc chuyển đổi không nên vì thành tích mà thực hiện ồ ạt. Điều này sẽ dẫn đến chất lượng DN sau chuyển đổi không cao. “Thực tế có những DN sau khi chuyển đổi lên đã không phát triển được, thậm chí có DN quá khó khăn phải phá sản. Điều quan trọng là phải lấy chất lượng DN đặt lên hàng đầu” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị.

* Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh

Để tạo điều kiện hỗ trợ DN phát triển, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ và phát triển DN Đồng Nai đến năm 2020.

Theo đó, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, đảm bảo công khai, minh mạch, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của DN. Tỉnh thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị các hiệp hội DN và DN tích cực hợp tác, chủ động trao đổi, phản ánh thông tin để cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế thông tin hiệu quả nhằm góp phần xây dựng bộ máy nhà nước thân thiện, thực hiện tốt chủ trương chính quyền đồng hành với DN.

“Trong tương lai, phải tính toán đến việc ưu tiên các DN trong nước. Thay vì quá ưu đãi khối DN có vốn đầu tư nước ngoài thì hỗ trợ DN trong nước cũng là nâng sức mạnh của cả nền kinh tế. Từ sự phát triển của khối DN trong nước, sức mạnh nội tại, sức cạnh tranh của Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng sẽ được nâng lên” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ cùng cộng đồng DN tại Đại hội Hiệp hội DN Đồng Nai lần thứ II vào cuối năm 2019.

Cụ thể hóa chiến lược của tỉnh, Sở Công thương và Sở KH-CN là 2 đơn vị đảm nhận chính nhiệm vụ hỗ trợ đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động.

Trong đó, chương trình
KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2020 do Sở KH-CN thực hiện đã hỗ trợ 189 DN với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng.

Dự kiến đết hết năm 2020, sẽ có 218 đơn vị, DN được hỗ trợ với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Với ngành Công thương, mỗi năm Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp Đồng Nai hỗ trợ được khoảng 6 DN trong đổi mới công nghệ.

Các DN nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư máy móc có khi lên đến hàng tỷ đồng nhưng năng lực tài chính yếu khiến cho họ ngại ngần khi thay đổi. Việc DN nhận được sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành là minh chứng cho sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, giúp họ có động lực để mạnh dạn đổi mới, phát triển.

Văn Gia

 

 

Tin xem nhiều